Tại quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khoảng 650 km QL sẽ được chuyển thành đường địa phương. Ảnh: LÊ HÒA |
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ khu vực, các sở GTVT tiếp tục rà soát để đề xuất điều chuyển các đoạn, tuyến QL không có trong quy hoạch, các đoạn QL có đường thay thế và các trường hợp khác để chuyển thành đường địa phương.
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý, quy hoạch sẽ chuyển khoảng 650 km QL thành đường địa phương.
Trong đó, vùng Trung du miền núi phía Bắc có 20 tuyến QL với chiều dài hơn 66km; vùng đồng bằng sông Hồng có 23 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 195km.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 31 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 184km. Vùng Tây Nguyên có 2 tuyến, đoạn tuyến với chiều dài hơn 50km. Vùng Đông Nam Bộ có 7 tuyến với chiều dài hơn 37km. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tuyến với chiều dài hơn 115 km.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay, trong giai đoạn vừa qua, các tuyến QL được nâng lên ngoài quy hoạch quá nhiều. Trong đó, giai đoạn 2013-2019 nâng 58 tuyến, đoạn tuyến đường địa phương thành QL.
Trong số này, có một số tuyến chỉ phục vụ giao thông địa phương, giao thông nội vùng. Điều này ảnh hưởng đến tính cân đối tổng thể của mạng lưới đường bộ, mất cân đối giữa tỷ lệ đường địa phương và QL, gây áp lực lên đầu tư, bảo trì trong điều kiện nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu./.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, năm 2022, Bộ GTVT đã điều chuyển, các đoạn, tuyến quốc lộ chuyển về địa phương quản lý như: QL100 (Lai Châu), một số đoạn thuộc các QL4A, QL3B (Lạng Sơn), QL2 (Vĩnh Phúc), QL12B (Ninh Bình), QL8 (Hà Tĩnh), QL2 (Quảng Ngãi), QL29 (Phú Yên), QL1C (Khánh Hòa), đường Hồ Chí Minh qua TP. Kon Tum, QL14C (Đắk Nông), QL50 (Tiền Giang). |