Linh hoạt các giải pháp, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 102/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với địa phương.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nghị quyết nêu: Trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả các đối sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý cả trước mắt và lâu dài, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch và tiêm vaccine

Trong đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của pháp luật gắn với phân bổ hợp lý nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bảo đảm yêu cầu có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác phát sinh; quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng dịch trong tình hình mới.

Các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa thị trường tại địa phương, nhất là các hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và kịp thời triển khai các đối sách, giải pháp ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì sớm hoàn thiện, trình Chính phủ các báo cáo, tài liệu trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023 của Bộ, cơ quan, địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023 của cả nước; trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Đồng thời, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tiếp tục thúc đẩy triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác lập các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh thực hiện lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý những vấn đề tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

Tập trung rà soát, kịp thời giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, các dự án trọng điểm; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách; thực hiện tốt các công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023.

Khẩn trương chỉ đạo các DNNN thuộc phạm vi quản lý xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án (phương án) cơ cấu lại để tổ chức thực hiện theo đúng Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tập trung bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm theo đúng tiến độ, yêu cầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, đánh giá hoạt động của trung tâm điều hành IOC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động trong thời gian tới; giao các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo Bộ, cơ quan, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành…/.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Linh hoạt các giải pháp, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra