♦Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước! Đến nay, KTNN đã hoàn thành Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019. Xin ông đưa ra một số đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN trong năm vừa qua, nhất là việc đạt được các mục tiêu và trọng tâm kiểm toán?
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa |
Thứ nhất, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN và nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, người lao động trong việc đổi mới phương thức kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian các cuộc kiểm toán, đặc biệt là thời gian thẩm định phát hành BCKT. Toàn bộ hoạt động kiểm toán thuộc KHKT đề ra từ đầu năm đã được các đơn vị triển khai và kết thúc kiểm toán trước ngày 31/10/2019; 100% cuộc kiểm toán đều phát hành BCKT trước ngày 31/12/2019.
Thứ hai, tiếp tục đi sâu kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, như: kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản…
Thứ ba, chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN. Trong năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; cung cấp 82 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng. Đặc biệt, năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với các lĩnh vực, dự án có dấu hiệu vi phạm, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Kết quả kiểm toán đã được KTNN tổng hợp gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Thứ tư, kết quả kiểm toán của KTNN đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.
♦ Hiện nay, KTNN đã ban hành KHKT năm 2020. So với năm 2019, KHKT năm nay có những điểm mới nào đáng chú ý, thưa ông?
- Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm cuối thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; năm có ý nghĩa quan trọng đối với KTNN trong việc hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và tiếp tục khẳng định vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021. Từ thực tế trên, KTNN đã ban hành KHKT năm 2020 với các điểm mới, nổi bật:
Một là, giảm khoảng 20% số lượng cuộc kiểm toán so với KHKT năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khác trong năm 2020.
Hai là, bao quát hầu hết các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong đó, công tác xây dựng KHKT từng bước đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán.
Ba là, sẽ thực hiện kiểm toán một số dự án, chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
♦Vậy thưa ông, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu cũng như sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, KTNN đã có sự chuẩn bị như thế nào về nội dung cũng như phương thức tổ chức kiểm toán?
- Ngày 17/12/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công văn số 1569/KTNN-TH về việc hướng dẫn xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2020, trong đó đưa ra các nguyên tắc quản lý nhằm tổ chức có hiệu quả hoạt động kiểm toán tại các đơn vị với một số điểm mới nổi bật sau:
Việc phối hợp, lồng ghép các cuộc kiểm toán phải thực hiện ngay khi lập phương án kiểm toán. Điều này đòi hỏi các đơn vị không chỉ xây dựng phương án kiểm toán của mình mà còn phải phối hợp với các đơn vị trong xây dựng phương án tổ chức kiểm toán toàn Ngành nhằm đảm bảo nguyên tắc mỗi năm KTNN chỉ kiểm toán một lần tại một đơn vị.
Tại các đầu mối, đơn vị được kiểm toán có 2 hoặc nhiều đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ kiểm toán từ 2 chủ đề kiểm toán trở lên, Thủ trưởng các đơn vị chủ trì chủ đề tổ chức kiểm toán đầu tiên phải chủ động phối hợp với đơn vị trong Ngành triển khai, tổ chức kiểm toán và thông báo kết quả kiểm toán để giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động của các đơn vị. Để thực hiện được quy định này, các đầu mối tham mưu về KHKT phải chủ động điều tiết và kết nối thông tin giữa các KTNN chuyên ngành, khu vực, giúp các đơn vị nắm rõ trách nhiệm, chủ trì phối hợp và triển khai lập phương án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Việc lồng ghép chỉ thực hiện đối với KHKT, quyết định kiểm toán và hoạt động kiểm toán, không lồng ghép phát hành BCKT, biên bản kiểm toán. Quy định đồng nghĩa với việc tất cả các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm đều phải phát hành BCKT riêng dù được tổ chức lồng ghép hay độc lập nhằm nâng cao chất lượng BCKT khi phát hành.
Để nâng cao chất lượng BCKT và chấn chỉnh hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng quy định: Không giao nhiệm vụ Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn kiểm toán năm 2020 đối với các trường hợp Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng các đoàn kiểm toán thuộc KHKT năm 2019 phát hành BCKT trong kế hoạch sau ngày 31/12/2019 không có lý do hợp lý, chính đáng được Tổng Kiểm toán Nhà nước đồng ý hoặc các trường hợp bị Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo kiểm điểm phê bình và kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong hoạt động kiểm toán năm 2019; Không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với công chức, kiểm toán viên vi phạm kỷ luật từ hình thức kiểm điểm trở lên trong hoạt động kiểm toán năm 2019, hoặc có dấu hiệu, dư luận trong hoạt động kiểm toán đang kiểm tra, xác minh; Không bố trí công chức, kiểm toán viên tham gia đoàn kiểm toán khi trùng với kế hoạch đào tạo, công tác dài hơn 10 ngày của KHKT. Quy định này sẽ góp phần tăng cường kỷ cương, thắt chặt kỷ luật trong hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là phát hành BCKT.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đang tổ chức xây dựng hướng dẫn về nội dung kiểm toán năm 2020, trong đó sẽ tập trung chú trọng đến việc tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu và rủi ro; tăng cường công tác kiểm toán tổng hợp để xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách các cấp, cung cấp kịp thời thông tin cho Quốc hội, HĐND phê chuẩn quyết toán; tập trung đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vào mục tiêu, nội dung kiểm toán để tổ chức thực hiện trong năm 2020…
♦Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!
H.NHUNG (thực hiện)