Sớm ban hành Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Đó là một trong những yêu cầu của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tại Tọa đàm khoa học “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương” do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với KTNN khu vực VII tổ chức vào chiều 14/3 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm tại đầu cầu trụ sở KTNN - Ảnh: L.HÒA

   

Tọa đàm diễn ra dưới sự điều hành của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh; Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc.

Tham dự Tọa đàm có 124 đại biểu là lãnh đạo, Kiểm toán viên đến từ Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và 13 đơn vị KTNN khu vực.

Năm 2022, KTNN sẽ thực hiện 31 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, những năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với ngân sách địa phương (NSĐP), thường lồng ghép 03 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động) với tên gọi là “Kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu khai mạc Tọa đàm - Ảnh: L.HÒA

   

Với cách tiếp cận như trên, các cuộc kiểm toán NSĐP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về kiến nghị xử lý tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý và điều hành NSNN.

Tuy nhiên, thực tiễn kiểm toán và công tác quản lý tài chính, ngân sách đã đặt ra một số thách thức đòi hỏi KTNN cần đổi mới trong kiểm toán NSĐP để thực hiện được nhiệm vụ quy định tại Điều 71 Luật NSNN: “Kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trước khi gửi HĐND cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn” và quy định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030: “Phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán NSĐP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Năm 2021, KTNN đã vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu rủi ro để xây dựng đề cương kiểm toán và thực hiện thí điểm 02 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP tại Lai Châu và Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, năm 2022, KTNN sẽ thực hiện 31 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP.

Sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP sau ngày 01/10

Tại Tọa đàm, đại diện KTNN các khu vực đã nêu một số khó khăn khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, đặc biệt là thời điểm triển khai kiểm toán. Theo quy định của Luật NSNN, thời hạn UBND tỉnh nộp báo cáo quyết toán NSĐP chậm nhất là 01/10 hằng năm, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều chậm nộp báo cáo này.
                
   

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Lê Hoài Nam tham luận với chủ đề "Kinh nghiệm thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và những vấn đề khác biệt cần lưu ý so với cuộc kiểm toán NSĐP" - Ảnh: L.HÒA

   

Vì vậy, một số đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trước tháng 10 hằng năm (thậm chí sau ngày 01/10) nhưng nhiều địa phương vẫn chưa có báo cáo hoặc phần lớn Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước tỉnh mới lập sơ bộ báo cáo quyết toán NSĐP, điều này gây khó khăn cho việc kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP khi chưa có báo cáo quyết toán chính thức. Do đó, KTNN cần thống nhất thời điểm triển khai thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP.

Hơn nữa, KTNN chưa tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, cách khai thác hiệu quả các phần mềm quản l‎ý ngân sách ở địa phương, đặc biệt là phần mềm quản l‎ý tại cơ quan tài chính, thuế và Kho bạc nhà nước (Tabmis). Đồng thời, KTNN chưa ban hành đầy đủ hướng dẫn, hồ sơ mẫu biểu về kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP phù hợp với quy định của Luật NSNN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN nên quá trình thực hiện còn lúng túng… Từ đó, đại diện các KTNN khu vực mong muốn KTNN sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP để các đơn vị có thời gian nghiên cứu, tập huấn trước khi triển khai kiểm toán trong năm 2022.
                
   

KTNN các khu vực tham dự Tòa đàm theo hình thức trực tuyến - Ảnh: L.HÒA

   

Tại Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã giải đáp những vấn đề nêu trên. Theo đó, về thời điểm thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, theo quy định của Luật NSNN, thời hạn UBND tỉnh nộp báo cáo quyết toán NSĐP chậm nhất là ngày 01/10 hằng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời hạn trên, nhiều địa phương chưa cung cấp báo cáo quyết toán NSĐP cho KTNN. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kiểm toán, KTNN sẽ đề nghị các địa phương thực hiện đúng Luật NSNN; đồng thời KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP sau ngày 01/10.

Cùng với đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, KTNN sẽ sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP để áp dụng ngay đối với các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trong năm 2022. Hướng dẫn này sẽ tập trung vào các nội dung: Mục tiêu, nội dung, phương pháp, phạm vi, giới hạn kiểm toán...

Về xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP, KTNN phải xác nhận 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) nhưng cần chọn mẫu để số lượng đảm bảo tính đại diện và phù hợp với quy mô, nhân lực của đoàn kiểm toán. Cùng với đó, theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022, KTNN sẽ tập huấn cho Kiểm toán viên về việc khai thác dữ liệu từ phần mềm Tabmis.
LÊ HÒA – THÙY ANH

Cùng chuyên mục
Sớm ban hành Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương