Sớm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội, vào thực tiễn

(BKTO) - Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; các tổ chức tín dụng…

Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

070320240836-2.jpg
Toàn cảnh  Hội nghị. Ảnh: VPQH

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Hội nghị này để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các luật, nghị quyết.

Theo đó, Hội nghị sẽ tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; viễn thông; các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế Thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn... nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

man.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VPQH

“Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Để Hội nghị đạt được kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ, nghiêm túc; phát huy trách nhiệm, tích cực tham luận, phát biểu với tinh thần khách quan, thiết thực.

Các báo cáo, tham luận cần phản ánh cụ thể, khách quan công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi, nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Hội nghị chính là tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm của 9 luật và 11 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm của các luật, nghị quyết. Ảnh: VPQH

Nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ cần tập trung để triển khai các luật, nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, UBTVQH yêu cầu Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, lưu ý việc tổ chức triển khai và quy định chi tiết, hướng dẫn việc triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Chính phủ, các cơ quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức; tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định; chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.

Đối với việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH đối với một số nội dung tại Báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 ngày 2/11/2023 và Báo cáo số 724/BC-UBTVQH15 ngày 14/1/2024.

Đồng thời, khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai (sửa đổi) (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị định, quyết định, thông tư bảo đảm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầy đủ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; bảo đảm phù hợp với luật và thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản(sửa đổi), các luật có liên quan./.

Cùng chuyên mục
Sớm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội, vào thực tiễn