Số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là nhóm sản phẩm công nghệ mới, được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Sản phẩm này được Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế Việt Nam khuyến cáo có hại cho người dùng. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Các sản phẩm này có chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi. Việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, nguy hiểm ở chỗ các loại thuốc lá mới hiện nay sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để tẩm ướp ma túy thông qua việc phối trộn, trong khi lại nhắm vào đối tượng giới trẻ, thanh thiếu niên; nhắm vào thị hiếu của giới trẻ với bề ngoài bao bì hình ảnh bắt mắt, thu hút trẻ em…
Ông Tạ Văn Hạ đánh giá, các sản phẩm thuốc lá mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian ngắn, nhưng lại có xu hướng phát triển nhanh trên diện rộng. Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại địa phương, Báo cáo của các Bộ, ngành liên quan cho thấy, dù chưa có quy định cho phép nhập khẩu nhưng thuốc lá điện tử đang xâm nhập, được sử dụng ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.
Tình trạng buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà sản xuất đã, đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút giới trẻ, nhất là trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng thông qua rất nhiều hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang...
“Có hàng chục nghìn loại hương liệu thuốc lá điện tử. Dù chưa có doanh nghiệp nào phân phối song trên thị trường không thiếu loại thuốc lá này, thậm chí cả trong trường học. Các sản phẩm được quảng cáo, mua bán công khai trên mạng. Đang có khoảng trống pháp lý với loại hình này” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Còn qua hoạt động giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, tại Việt Nam trong 03 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, cho thấy, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp 8 đến 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10 đến 12 là 12,6%.
Theo kết quả khảo sát, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Cần sớm có giải pháp kiểm soát chặt chẽ
Dưới góc độ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phụ trách lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và từ những nguy hại thực tế của sản phẩm thuốc lá mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần sớm giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng sản phẩm này, thậm chí cần nghiên cứu quy định cấm đối với đối tượng thanh thiếu niên, bởi đây là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với các sản phẩm thuốc lá mới để có cơ sở quản lý hiệu quả; làm rõ mức độ độc hại, nguy hiểm cụ thể thế nào, nhất là so với thuốc lá truyền thống; làm rõ đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, học sinh đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc biến tướng của thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy, không kiểm soát được...
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Trước mắt, trong ngắn hạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này. Theo đó, phải có những biện pháp cụ thể để hoàn thiện khả năng quản lý, quản trị dòng sản phẩm thuốc lá mới như: phòng chống buôn lậu, kiểm soát quảng cáo các sản phẩm này, nhất là trên môi trường internet…
Đặc biệt là phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông xã hội về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới; tuyên truyền rộng rãi tới từng gia đình, các em học sinh, nhà trường và xã hội về những ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá nói chung, và thuốc lá mới nói riêng. Làm sao để xã hội phải nhận thức rõ thuốc lá điện tử là dung dịch chiết xuất, cho nên có chứa nhiều hương liệu, và thậm chí những kẻ xấu lợi dụng sản phẩm để pha chế, đưa vào những chất gây nghiện, chất hướng thần, ma túy, cần sa… để đầu độc trẻ em và các thế hệ trẻ.
Về phương án lâu dài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá rất cần thiết để đưa ra quy định quyết liệt hơn.
Trong lúc chờ các quy định cụ thể về cấm hay quản lý, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện nghiêm việc phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Với những trường hợp buôn lậu, bán với số lượng lớn, ngoài xem xét xử lý hành chính, có thể đề nghị các biện pháp xử lý khác mạnh hơn để tạo sự răn đe.