Rút gọn, đơn giản hóa thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ
Thông tin tại hội nghị, TS. Trương Anh Dũng cho biết, ngày 01/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh. “Trước yêu cầu trên, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn” - TS. Trương Anh Dũng chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Trung |
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh, thực chất chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phức tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này được đơn giản hóa tới mức tối đa, với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ kịp thời cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục GDNN) Đào Trọng Độ thông tin thêm, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do DN tự chi trả. Việc hỗ trợ kinh phí được thực hiện trực tiếp cho DN theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt. “Với gói chính sách này, NLĐ được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khả năng để duy trì việc làm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp” - ông Khánh cho biết.
Khẩn trương xây dựng phương án hỗ trợ
Theo Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, chủ trương thực hiện chính sách từ Chính phủ cho đến Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN là rất rõ. Điều quan trọng lúc này để thụ hưởng chính sách, đó là DN phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN có phương án đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.
“Các bên phải chủ động liên kết để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH sẽ là người duyệt, không như trước đây phải trình lên Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố” - ông Khánh lưu ý.
Các DN, cơ sở GDNN cần phối hợp để sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho NLĐ. Ảnh: N.LỘC |
Tại Hội nghị, đại diện trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh kiến nghị: Do đang dịch bệnh nên khi kết hợp đào tạo lại giữa DN và cơ sở đào tạo cho phép đào tạo tại dây chuyền của DN để vừa phòng dịch, vừa chủ động sản xuất.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết: Các đợt dịch trong một năm rưỡi qua, ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực du lịch. Do đó, nhiều lao động lĩnh vực này muốn được hỗ trợ để học lái xe, tin học, ngoại ngữ, tạm chuyển đổi công việc trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại Nghị quyết 68/NQ-CP quy định chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ như sau: DN được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHTN cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ nộp từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. |
TS. Trương Anh Dũng khẳng định: Việc đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68/NQ-CP không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình DN. Miễn là việc đào tạo liên quan đến cơ cấu lại tổ chức hoặc ứng dụng công nghệ mới, dưới tác động của dịch bệnh. Ông Dũng cũng lưu ý về mức hỗ trợ mà NLĐ và DN được hưởng, để từ đó trong quá trình xây dựng phương án, các DN cần tính toán cho phù hợp.
Đặc biệt, theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, thời gian thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, rất ngắn, chỉ có 1 năm. Vì vậy, ngay sau Hội nghị, các Sở LĐ-TB&XH cần phổ biến, quán triệt thông tin về chính sách tới các đơn vị chuyên môn, các DN và cơ sở GDNN trên địa bàn; chỉ đạo tăng cường việc phối hợp giữa DN và cơ sở GDNN; nghiên cứu góp ý đối với các nội dung dự thảo về quy định điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ; các biểu mẫu kèm theo.
Nhấn mạnh đối tượng được chính sách hướng đến đó là NLĐ vốn rất vất vả, nay lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cuộc sống càng bấp bênh, TS. Trương Anh Dũng đề nghị các DN đồng hành, thực hiện tốt chính sách để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn.