Startup Cà Mau - Nỗ lực vươn cao

(BKTO) - Đây là chủ đề của Chương trình Cà Mau Startup 2022 (CamaUP’22) quy tụ 60 sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp của các cá nhân và doanh nghiệp. Sự kiện tạo nên một không gian khởi nghiệp lớn nhất từ trước tới nay tại địa phương.



                
   

Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Cà Mau.
   Ảnh: camau.gov.vn

   

CamaUP’22 là sự kiện khởi nghiệp thường niên của tỉnh Cà Mau, với các chương trình và hoạt động chủ yếu: Cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau 2022"; Diễn đàn khởi nghiệp "Đời Startup là như thế"; Chương trình đối thoại giữa doanh nhân trẻ và thanh niên; Hội thi Trưng bày và quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Phát biểu khai mạc CamaUP’22,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà MauLê Văn Sử nhấn mạnh: Cà Mau được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, có điều kiện để khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, song do là địa bàn vùng xa, hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển… nên số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng dân số còn rất thấp. Vì vậy, tỉnh rất quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện để hệ sinh thái phát triển bền vững.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tỉnh Cà Mau xem đây là cơ hội, là tiền đề để những ý tưởng, những sáng tạo được hiện thực và phát triển.
                
   

Các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương thu hút sự chú ý của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: camau.gov.vn

   

Riêng đối với Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Cà Mau”, đây là lần thứ 3 tổ chức và là lần đầu tiên lồng cuộc thi với việc tổ chức Chuỗi sự kiện CamaUP’22 nhằm mục đích tuyên truyền, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, trong đó, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo.

Thông qua Cuộc thi, nhiều dự án khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ khai thác tài nguyên bản địa đã tạo ra những sản phẩm độc đáo và góp phần làm tăng giá trị cốt lõi của hàng hóa; cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong chế biến, nuôi trồng, khai thác làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương.

Chung kết Cuộc thi, Dự án “Ứng dụng công nghệ điện phân trực tiếp cho xử lý nước nuôi tôm siêu thâm canh” của Nhóm tác giả Huỳnh Công Tấn, Tiêu Hoàng Pho và Dương Thanh Lực đạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về Dự án “Phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi” của Nhóm tác giả Sử Huỳnh Anh, Nguyễn Hồng Sửa, Trần Kim Ngoan và Nguyễn Thị Oanh; giải Ba là Dự án “Kết nối cộng đồng làng nghề đan lát kết hợp du lịch bản địa” (Dự án Lia Thia) của tác giả Nguyễn Trường Giang.

Ban Tổ chức còn trao 2 giải Khuyến khích, 1 giải tiềm năng và trao 3 giải thưởng Hội thi trưng bày và quảng bá sản phẩm, dịch vụ với cơ cấu giải thưởng và tiêu chí là đơn vị có tổng lượt yêu thích, chia sẻ, bình luận cao nhất./.
THÙY LÊ

Cùng chuyên mục
Startup Cà Mau - Nỗ lực vươn cao