Sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để tránh chênh lệch địa tô

(BKTO) - Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu thầu, đấu giá là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư.

Ngày 04/8, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp tục tổ chức Phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

040820230903-z4573462732562_bb9e8efeeb8ceda74c69bb05ee83f86d.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện…

Liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 60), Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Phương án thứ nhất quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước; sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.

Phương án thứ hai quy định, các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Đồng thời cũng có quy định điều chỉnh với trường hợp khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Nhiều ý kiến tại phiên họp tán thành với phương án thứ hai, bởi sẽ bảo đảm được sự đồng bộ thống nhất, ổn định của hệ thống quy hoạch; đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất; các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt.

Tuy nhiên, các ý kiến này không tán thành với việc có quy định điều chỉnh trường hợp khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thầm quyền quyết định, phê duyệt. Nếu quy định theo phương án này sẽ mặc nhiên thừa nhận hay cho phép việc lập quy hoạch chậm ở giai đoạn tới, tạo sức ỳ cho các cơ quan thực thi.

Về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các đại biểu ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch (tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng) để thực hiện đấu thầu, đấu giá. Đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư.

Các ý kiến cũng đồng tình với quy định tại Dự thảo Luật về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113), để Tổ chức phát triển quỹ đất có đủ năng lực tài chính thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ "đất sạch" thực hiện đấu thầu, đấu giá.

Nhiều ý kiến tán thành việc Dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí phân định những dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng nào sẽ được tiến hành đấu thầu, đấu giá hay tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (theo diện tích dự án), thay vì giao HĐND cấp tỉnh quyết định.

Việc quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí phân định dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ... sẽ đảm bảo tiêu chí áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh lúng túng do địa phương không xác định được dự án nào là “dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu”.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 35), các đại biểu thống nhất quy định này để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất do các ĐVSNCL đang quản lý, nhưng cần bảo đảm chặt chẽ.

Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35: ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được bán và góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê.

Tuy nhiên, quy định này cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm chặt chẽ; đề nghị ĐVSNCL trong trường hợp này không được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê để bảo toàn tài sản công.

Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, hiện chúng ta có gần 200.000 ha đất dành cho ĐVSNCL mà chỉ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đơn vị chưa tự chủ; được quyền lựa chọn thuê đất hay không đối với đơn vị tự chủ và được miễn tiền sửa dụng đất.

Qua quá trình tổng kết Luật đất đai 2013 cho thấy, việc sử dụng quỹ đất rất lãng phí, nhiều đơn vị sử dụng muốn sử dụng kết hợp kinh doanh, dịch vụ để giảm bớt gánh nặng của ngân sách, tạo nguồn thu.

Do đó, Dự thảo lần này đã có quy định cho phép đơn vị có thể chuyển một phần diện tích, hoặc toàn bộ sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, tuy nhiên có ràng buộc là phải thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công.

Cùng chuyên mục
Sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để tránh chênh lệch địa tô