Sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước: Nên bổ sung quy định về kiểm toán nội bộ

(BKTO) - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam ĐẶNG VĂN THANH khẳng định không có sự chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (sau đây gọi tắt là Dự án Luật). Tuy nhiên, theo ông Thanh điều này vẫn chưa đủ và “cần bổ sung quy định về kiểm toán nội bộ”.



         

Chỉ kiểm toán thực hiện nghĩa vụ thuế

- Theo Dự án Luật, đối tượng kiểm toán “làcác cơ quan, tổ chức,cá nhânmà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Theo ông, quy định như vậy đã bảo đảm đúng đối tượng chưa?

- Tôi rất đồng tình với quy định này. Phải nhấn mạnh rằng, đối tượng, phạm vi và chức năng của kiểm toán đã được hiến định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, KTNNthực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.Đối với tài chính công (tài chính nhà nước) thuộc sở hữu toàn dân, bao gồm chủ yếu là NSNNvà các quỹ của Nhà nước. NSNN có khoản thu và chi, trong đó thu chủ yếu từ thuế.

Trách nhiệm của KTNN phải kiểm tra, kiểm toán không chỉ các khoản chi mà cả khoản thu NSNN có đúng, đầy đủ, tập trung kịp thời không; chính sách thu có phù hợp không? Điều này đồng nghĩa, KTNN không chỉ kiểm toán người nộp thuế gồm các tổ chức, cơ quan, cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) mà cả người thu, người quản lý, ban hành chính sách thuế. Bởi theo Luật Quản lý thuế, không chỉ cơ quan quản lý thuế mà cả các cấp chính quyền cũng có trách nhiệm trong lĩnh vực này.

-Như vậy, theo Dự án Luật, KTNN sẽ được kiểm toán cả doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh?

- Đúng thế. Nhưng KTNN chỉ kiểm toán về nghĩa vụ thuế chứ không được kiểm toán hoạt động của đơn vị đó! KTNN có thể lấy thông tin về nghĩa vụ thuế thông qua kiểm tra trực tiếp tại đơn vị hoặc cơ quan quản lý thuế, phát hiện có vấn đề mới thực hiện kiểm toán sâu hơn vì sao họ không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Vận hành đúng chức năng Hội đồng Kiểm toán Nhà nước

- Một trong những nội dung được quan tâm trong Dự án Luật là KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử của đối tượng được kiểm toán cũng như dữ liệu quốc gia. Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ làm lộ bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh…, thưa ông?

­- Cần nhắc lại rằng, tài chính nhà nước (trong đó chủ yếu là NSNN) là sở hữu toàn dân, do dân đóng góp, chi tiêu phục vụ quyền và lợi ích của dân nên việc công khai, minh bạch là rất cần thiết. Trong nhiều khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt từ Quốc hội Khóa XI, dữ liệu về tài chính nhà nước đều được công khai. KTNN là cơ quan kiểm tra tối cao, thay mặt cho dân thực hiện kiểm toán tài chính nhà nước nên việc trao quyền truy cập cơ sở dữ liệu là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về công khai, minh bạch thông tin này.

Mặc dù Dự án Luật đã nêu rõ KTNN phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, song vẫn cần cụ thể hơn. Theo đó, KTNN cần ban hành quy chế ai có quyền truy cập, sử dụng thông tin thế nào, công tác bảo mật thông tin trong chính cơ quan KTNN ra sao? Quy chế này phải được phổ biến tới từng kiểm toán viên để họ biết, hiểu quyền và trách nhiệm của mình.

- Lần đầu tiên, Dự án Luật cho phép đối tượng được kiểm toán có quyền khiếu nại, khiếu kiện về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán cũng như đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán; trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN thì được quyền khởi kiện ra tòa. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

­- Đây là quy định rất phù hợp và xác đáng. Bởi thực tế, do kết quả kiểm toán dựa trên chứng cứ nên không phải kết luận nào của KTNN cũng nhận được sự đồng thuận của đối tượng được kiểm toán.

Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên coi việc khởi kiện ra tòa là bước cuối cùng, trước đó cần có khâu trung gian hòa giải. Trong Luật KTNN năm 2015 có quy định về Hội đồng KTNN song thực tế hoạt động của hội đồng này chưa nhiều. Do vậy, cần vận hành đúng chức năng của hội đồng. Hội đồng cần huy động thêm đội ngũ chuyên gia độc lập, dưới sự chủ trì của Tổng KTNN, để kiểm soát về chuyên môn đối với hoạt động của KTNN, qua đó hạn chế tối đa việc đưa ra kết luận không nhận được sự đồng tình của đối tượng kiểm toán. Khi đối tượng được kiểm toán có khiếu nại, ý kiến của Hội đồng KTNN sẽ là quyết định cuối cùng, nếu không được chấp nhận thì mới đưa ra tòa.


Phối hợp công tác là chưa đủ

- Để tránh sự chồng chéo, Dự án Luật đã quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại. Liệu điều này có bảo đảm tránh tình trạng chồng chéo không?

- Tôi khẳng định không có chuyện chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan này. Đối với cơ quan thanh tra, mục đích chủ yếu là phát hiện và xử lý sai phạm, kể cả sai phạm về chính sách và thực thi chính sách. Còn KTNN là cơ quan mang tính chuyên môn kiểm tra tài chính cao cấp của Nhà nước. Cơ quan này không làm chức năng của thanh tra, không xử lý vi phạm mà chỉ đưa ra ý kiến độc lập về cái đúng, sai trong hoạt động tài chính nhà nước.

Về mặt nguyên tắc, tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công đều phải chịu sự kiểm toán thường niên; trong khi đó, thanh tra có thể theo vụ việc hoặc vài năm một lần. Rõ ràng, quy định như vậy có thể khắc phục được tình trạng chồng chéo, nhưng chưa đủ.

- Vậy theo ông, cần sửa đổi như thế nào để tránh tình trạng trong cùng một thời điểm, một đơn vị có thể vừa bị thanh tra vừa bị kiểm toán?

- Theo tôi cần thực hiện 3 biện pháp sau.Thứ nhất,cần tạo mối liên hệ giữa các cơ quan này để họ thông báo cho nhau về kế hoạch kiểm tra, kiểm toán hằng năm.Thứ hai,phải có quy chế để các cơ quan này sử dụng kết quả của nhau, còn sử dụng ở mức độ nào thì tùy từng cơ quan.Thứ ba,KTNN không thể thực hiện kiểm toán được tất cả các đối tượng. Do vậy, việc phát huy vai trò của kiểm toán nội bộ rất quan trọng bởi đây là sức đề kháng của mỗi đơn vị.

Luật Kế toán 2015 có quy định về kiểm toán nội bộ và đang được triển khai thực hiện. Điều 6 Luật KTNN năm 2005 cũng có quy định này nhưng đáng tiếc Luật KTNN năm 2015 lại bỏ đi. Do vậy, trong Dự án Luật KTNN lần này, tôi đề nghị nên đưa quy định này vào để KTNN sử dụng kết quả của kiểm toán nội bộ, vừa giảm nhẹ công việc của KTNN vừa nâng cao sức đề kháng của đơn vị, qua đó cũng giảm sự chồng chéo.

- Xin cảm ơn ông!

Theo ĐAN THANH/daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước: Nên bổ sung quy định về kiểm toán nội bộ