Sửa đổi Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang lấy ý kiến góp ý trong toàn Ngành đối với Dự thảo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán.

kvt-148.jpg
Các ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán gửi về Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán trước ngày 23/8/2023 để kịp thời tổng hợp, hoàn thiện, ban hành theo quy định. Ảnh: TS

Dự thảo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán thay thế Quy chế ban hành tại Quyết định số 1694/QĐ-KTNN ngày 27/11/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước (Quyết định 1694).

Bổ sung quy định kiểm soát đối với việc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán

Dự thảo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán mới gồm 8 chương, 47 điều, tăng 1 chương, 1 điều so với  Quy chế hiện hành. 

Dự thảo Quy chế quy định trách nhiệm, quyền hạn, phạm vi, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước, kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành, khu vực được giao chủ trì cuộc kiểm toán, trưởng đoàn KTNN, trưởng đoàn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (đoàn kiểm tra kiến nghị), tổ trưởng tổ kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, thành viên của đoàn KTNN, thành viên đoàn kiểm tra kiến nghị và các tổ chức, bộ phận, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN.

Thủ trưởng các đơn vị không phải là các KTNN chuyên ngành, khu vực được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện như quy định đối với kiểm toán trưởng.

Quy chế này áp dụng trong kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện theo Quy trình kiểm toán của KTNN, gồm các giai đoạn: Chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán (BCKT); kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trong Quy chế này, chất lượng cuộc kiểm toán được hiểu là: Phản ánh mức độ thực hiện các mục tiêu kiểm toán; việc tuân thủ quy định pháp luật, chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN và các quy định khác có liên quan; kế hoạch kiểm toán (KHKT) được phê duyệt và vận dụng hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động kiểm toán, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán theo mục tiêu đề ra; chất lượng BCKT đáp ứng yêu cầu về tính trung thực, hợp lý, khách quan; đánh giá, xác nhận và kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán; ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục các sai phạm, hạn chế trong hoạt động kiểm toán.

Các cấp kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN gồm: Tổng Kiểm toán nhà nước; kiểm toán trưởng; trưởng đoàn (đoàn KTNN, đoàn kiểm tra kiến nghị); tổ trưởng (tổ kiểm toán, tổ kiểm tra); thành viên của đoàn KTNN và đoàn kiểm tra kiến nghị (KTVNN) tự kiểm soát chất lượng kiểm toán.

5 hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán

Giám sát hoạt động kiểm toán đối với đoàn KTNN: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá hồ sơ kiểm toán gửi về Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán theo quy định mà không trực tiếp làm việc với đoàn kiểm toán.

Kiểm soát việc tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán của kiểm toán trưởng: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của kiểm toán trưởng theo các quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán, do các vụ chức năng thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp đối với đoàn KTNN: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm toán được thực hiện trực tiếp với đoàn KTNN trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động kiểm toán không thuộc kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kế hoạch kiểm soát) năm, được thực hiện theo yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc của kiểm toán trưởng.

Kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành BCKT: Là hoạt động kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định của KTNN đối với hồ sơ kiểm toán và hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán theo các giai đoạn của cuộc kiểm toán đến khi BCKT được phát hành.

4 nguyên tắc kiểm soát chất lượng kiểm toán

Dự thảo Quy chế quy định các nguyên tắc kiểm soát chất lượng kiểm toán: Tuân thủ pháp luật, Luật KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN và các quy định của KTNN.

Kiểm soát thường xuyên, liên tục toàn bộ hoạt động kiểm toán của các cuộc kiểm toán trong mỗi giai đoạn theo Quy trình kiểm toán của KTNN.

Việc tổ chức, thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước và kiểm toán trưởng có thể áp dụng kết hợp các hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán nêu tại khoản 4 Điều 3 cho phù hợp với yêu cầu quản lý, tính chất của cuộc kiểm toán.

Đảm bảo trung thực, khách quan, kịp thời.

Mục đích kiểm soát chất lượng kiểm toán

Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, KHKT được duyệt và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện, quản lý các cuộc kiểm toán của KTNN.

Phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; củng cố cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho các kết quả kiểm toán; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc biểu hiện sai sót, sai phạm, bỏ sót kết quả (nếu có), hạn chế những vấn đề có thể gây hậu quả trong hoạt động kiểm toán hoặc có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

Đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, nâng cao uy tín của KTNN.

Phát hiện những bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN./.

Cùng chuyên mục
Sửa đổi Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán