Giới thiệu với Đoàn công tác của BPK, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, KTNN khu vực VII là 1/13 KTNN khu vực trực thuộc KTNN Việt Nam, được thành lập ngày 26/10/2007, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của 6 tỉnh miền núi phía bắc gồm: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ.
Chia sẻ với Tiến sĩ Isma Yantun về quá trình xây dựng bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII cho biết, ngày đầu thành lập, KTNN khu vực VII chỉ có 3 cán bộ, gồm Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng và 1 cán bộ.
Đến nay, KTNN khu vực VII đã cơ bản hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy gồm: Kiểm toán trưởng và 3 Phó Kiểm toán trưởng; có 6 phòng trực thuộc. Tổng số có 69 công chức, kiểm toán viên và người lao động trong đó có 2 Kiểm toán viên cao cấp, 13 Kiểm toán viên chính.
Tính đến năm 2023, KTNN khu vực VII đã chủ trì, phối hợp và hoàn thành 100/104 cuộc kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 15.518 tỷ đồng, bao gồm: các khoản tăng thu 1.597 tỷ đồng; các khoản giảm chi 7.890 tỷ đồng; kiến nghị khác 6.030 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN khu vực VII đã có nhiều kiến nghị giúp các địa phương, đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách; ngoài ra, còn kiến nghị hủy bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung nhiều văn bản điều hành thu, chi ngân sách nhà nước góp phần bịt lỗ hổng trong công tác quản lý.
Trao đổi về định hướng hoạt động kiểm toán giai đoạn 2024-2025 với Đoàn công tác của BPK, Kiểm toán trưởng Ngô Minh Kiểm cho biết, KTNN khu vực VII phấn đấu đến năm 2025 sẽ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đảm bảo khoảng 90% số tỉnh được giao thực hiện kiểm toán; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin đạt tối thiểu 27% tổng số cuộc kiểm toán năm 2024 và đạt tối thiểu 30% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, KTNN khu vực VII không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán; đồng thời đề cao tính liêm chính, đạo đức nghề nghiệp ngay trong đội ngũ công chức, kiểm toán viên của đơn vị.
Bên cạnh đánh giá xác nhận tính tuân thủ pháp luật, KTNN khu vực VII tăng cường đánh giá tính kinh tế, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, nhất là những phần mềm đã được KTNN xây dựng, ban hành.
Cùng với toàn Ngành, KTNN khu vực VII tiếp tục rà soát hệ thống mẫu biểu kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia Isma Yatun trân trọng cảm ơn sự tiếp đón nhiệt thành của KTNN khu vực VII.
Bà Isma Yatun đã giới thiệu cơ bản về lịch sử hình thành và hoạt động của BPK, chỉ ra những điểm tương đồng giữa hai cơ quan kiểm toán. Ở Indonesia có 39 tỉnh, cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng có văn phòng đại diện ở mỗi tỉnh giống Việt Nam.
Chủ tịch BPK chia sẻ thêm, đối với kiểm toán chuyên đề, có thể KTNN trung ương hoặc các văn phòng đại diện của KTNN ở mỗi tỉnh sẽ quyết định các chủ đề; đối với kiểm toán hoạt động, KTNN các khu vực có thể tự lựa chọn chủ đề.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất tăng cường hợp tác cấp KTNN khu vực giữa hai cơ quan bên cạnh các hoạt động hợp tác của KTNN cấp trung ương. Theo đó, KTNN Indonesia sẽ cử chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề về các lĩnh vực quan tâm chung của hai bên, đặc biệt là kiểm toán cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán...
Ngược lại, BPK cũng mời các chuyên gia của KTNN Việt Nam ở các KTNN khu vực sang Indonesia để chia sẻ kinh nghiệm. Hai bên nhất trí thông báo ý tưởng này cho Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam để đưa vào kế hoạch hợp tác trong thời gian tới./.