Sửa Luật BHXH: Tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động

(BKTO) - Chiều 11/8, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”, nhằm góp phần cung cấp thông tin phục vụ quá trình cho ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Luật.

hoi-thao.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia là kênh thông tin khoa học độc lập giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến; xem xét, thông qua dự luật.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Hà Thanh Tùng - Thư ký Tổ biên tập Dự án Luật (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trên cơ sở 05 chính sách được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định với 11 nội dung lớn, bao gồm: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH;…

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi Luật BHXH hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi người lao động được hưởng khi tham gia chính sách BHXH, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Dự thảo Luật đã xác định Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chế độ: trợ cấp hưu trí xã hội; trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện; bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp hàng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Điều này là cần thiết và phù hợp do nhiều chính sách cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để chuyển sang một hệ thống mang tính bao phủ tốt hơn, đạt được mục tiêu nhanh hơn như: giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; hỗ trợ người đã tham gia BHXH song chưa đủ số năm đóng tối thiểu để hưởng hưu trí; tăng mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện; thu hút người dân tham gia BHXH; hạn chế việc hưởng BHXH một lần.

Liên quan đến quy định xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, các ý kiến cho rằng, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc. Do đó, cần nhận diện thật rõ và đúng về hành vi trốn đóng BHXH khác với chậm đóng. Trên cơ sở đó mới quy định phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.

Các chuyên gia cũng kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát một số nội dung như: Thời hạn đóng/nộp phải được thể hiện trên tờ khai và nhập liệu vào hệ thống quản lý thu như đối với quản lý thu BHXH bắt buộc; bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH…/.

Cùng chuyên mục
Sửa Luật BHXH: Tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động