Vận động tham gia BHXH, BHYT: Cách làm hay của Quảng Nam

(BKTO) - Từ chỗ năm 2019, toàn tỉnh Quảng Nam chỉ mới có 6.674 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì đến năm 2020 đã tăng lên 17.618 người. Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tỉnh vẫn phát triển được hơn 10.600 người tham gia mới.

bai-choi.jpg
Đêm hội Bài chòi về BHXH tự nguyện - một trong những hình thức tuyên truyền đang được BHXH tỉnh Quảng Nam áp dụng hiệu quả. Ảnh: Đ. KHOA

Vận dụng sáng tạo các hình thức tuyên truyền

Để đạt được kết quả "ngoạn mục" trên, bên cạnh nhiều giải pháp khác, BHXH Quảng Nam xác định truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Cơ quan BHXH tỉnh đã đổi mới, sáng tạo hình thức và phương pháp truyền thông hướng về cơ sở, trực tiếp đến người dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận để vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, song song với các hình thức tuyên truyền truyền thống, Quảng Nam đã sáng tạo, thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế, áp dụng các hình thức truyền thông hiện đại. Nhờ vậy, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Quảng Nam những năm gần đây đạt được kết quả cao.

“Từ chỗ năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh chỉ mới 6.674 người, năm 2020 tăng lên 17.618 người và năm 2021 dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn phát triển được hơn 10.600 người tham gia mới.” - ông Hùng dẫn chứng.

Một trong những hình thức tuyên truyền mới được BHXH Quảng Nam đang triển khai thực hiện hiệu quả đó là tuyên truyền qua nhạc chờ BHXH tự nguyện. Theo đó, “nhạc chờ” hiện nay đang được tất cả cán bộ viên chức BHXH tỉnh, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh cài đặt.

Thông qua nội dung “Nhạc chờ” người dân hiểu được BHXH là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chính sách BHXH tự nguyện là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người lao động, vì mục đích an sinh xã hội và để góp phần phân biệt với các bảo hiểm thương mại khác đang có lợi thế hơn về chính sách quảng cáo, tiếp cận người dân.

Hình thức tuyên truyền này được lặp đi lặp lại và dần sẽ tạo sự chuyển biển trong nhận thức của người nghe, để hiểu đúng về ngành BHXH và chính sách BHXH tự nguyện. Đây là hình thức tuyên truyền đã được BHXH Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp Ngành.

Đặc biệt, BHXH tỉnh Quảng Nam còn áp dụng hiệu quả hình thức “Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện”. Hình thức tuyên truyền này xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương và nội dung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, tạo nên hình thức tuyên truyền mới, dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người dân quan tâm.

Đối tượng được tuyên truyền thông qua hình thức văn nghệ dân gian mộc mạc, gần gũi này phần lớn là người dân, người lao động tự do. Tham dự buổi tuyên truyền người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội.

Đưa chính sách đến vùng sâu, vùng xa

Quảng Nam là tỉnh có 9/18 huyện miền núi nên việc tiếp cận thông tin, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế; điều kiện đi lại, việc tập trung gặp gỡ người dân để tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đời sống tinh thần của người dân ở miền núi rất thiếu thốn nên khi có những buổi biểu diễn, sinh hoạt văn hóa tập trung thường thu hút rất đông người dân tham dự.

bhxh-quang-nam-10-8-anh-thoa.jpg
Cán bộ BHXH TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tư vấn, tuyên truyền đến người dân về chính sách BHXH tự nguyện.
Ảnh: Đ.KHOA

Nhận thức rõ điều này, BHXH tỉnh đã phối hợp với các Đoàn chiếu phim lưu động của Trung tâm văn hóa tỉnh kết hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.

“Thời gian tuyên truyền diễn ra trước khi chiếu phim, dù thời gian ngắn (từ 5-10 phút) nhưng đối tượng được tuyên truyền rất đông. Các buổi tuyên truyền ở các huyện miền núi thường thu hút từ 300-500 người tham dự. Nội dung tuyên truyền là những thông báo ngắn gọn, đi vào trọng tâm là quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, VssID-BHXH số.” - bà Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông BHXH Quảng Nam chia sẻ.

Cũng theo đại diện BHXH tỉnh, để người dân hiểu được chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cần phải có thời gian nhất định, không thể “ngày một ngày hai”. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và xác định đúng đối tượng tiềm năng, BHXH Quảng Nam đang thí điểm tuyên truyền với Ban quản lý bãi tắm công cộng, các chợ thương mại để tuyên truyền qua hình thức phát thanh hàng ngày để người dân có điều kiện tiếp nhận thông tin nội dung tuyên truyền.

Đồng thời, BHXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục duy trì các mô hình tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã đem lại hiệu quả cao tại các địa phương trong thời gian qua như: Mô hình nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện (thị xã Điện Bàn); mô hình thu tiền góp hàng ngày của người lao động tự do tại các chợ (huyện Thăng Bình) để tham gia BHXH tự nguyện; mô hình phối hợp với nghiệp đoàn xích lô, nghiệp đoàn ghe bơi vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (TP. Hội An); mô hình Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện - vì cuộc sống an sinh tuổi già (huyện Tiên Phước); điểm sáng tuyên truyền về BHXH tự nguyện (TP. Tam Kỳ); mô hình xã điểm về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (huyện Tiên Phước);...

Ngoài ra, một số hình thức truyền thông khác đang được BHXH tỉnh Quảng Nam triển khai có hiệu quả như: Áp phích tuyên truyền Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHYT đặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh; áp phích tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên phương tiện xe bus lưu thông trên tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh; ...

Thời gian tới, BHXH Quảng Nam vẫn xác định truyền thông trực tiếp tại cơ sở là một trong những giải pháp ưu tiên. Các hình thức tuyên truyền luôn hướng về cơ sở; kết hợp với văn hóa vùng miền để sản phẩm truyền thông đa dạng, gần gũi, dễ tiếp cận đối tượng tiềm năng vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tập trung tuyên truyền vận động lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện./.

 Để tạo thêm cơ hội cho người lao động tự do có điều kiện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/HĐND hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách tỉnh ngoài mức hỗ trợ theo quy định; Nghị Quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 12/01/2022 quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.

Cùng chuyên mục
Vận động tham gia BHXH, BHYT: Cách làm hay của Quảng Nam