Doanh nghiệp thu hẹp quy mô, công nhân lao đao vì giảm thu nhập

Doanh nghiệp (DN) sụt giảm doanh thu khiến hầu hết công nhân trong ngành sản xuất phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương từ 30 - 50%. Phần lớn người lao động (NLĐ) chọn cách cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng để đương đầu với khó khăn.

anh-minh-hoa-doanh-nghiep.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự

Theo Báo cáo Thực trạng nhân sự một số lĩnh vực năm 2023 do Navigos Group - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự phát hành, kết quả khảo sát cho thấy, ít nhất 50% DN phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu trong từng ngành, trong đó, ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất có tới 91% DN.

Đáng chú ý, hơn 50% DN trong từng ngành ghi nhận mức giảm từ dưới 10% đến hơn 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn còn ít nhất 9% và nhiều nhất là 50% DN trong tất cả các ngành có doanh thu không thay đổi, không bị ảnh hưởng hoặc đang tiếp tục tăng trưởng.

Navigos Group đã khảo sát hơn 1.000 nhân viên và 500 công ty trên thị trường sản xuất, bao gồm: Ngành công nghệ cao, dệt may/giày dép, dược phẩm/công nghệ sinh học, nông nghiệp/lâm nghiệp, sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng/thực phẩm, sản xuất ngành vật liệu xây dựng, công nghiệp ô tô/ô tô và các ngành công nghiệp khác.

Về các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, ít nhất 33% công ty trong hầu hết các ngành được khảo sát ghi nhận ảnh hưởng đồng thời từ cả nhu cầu trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, tác động của cả hai yếu tố khác nhau giữa các ngành công nghiệp khác nhau. Trong bối cảnh đó, duy trì hay thu hẹp quy mô là hai giải pháp hàng đầu được các DN lựa chọn để ứng biến trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Trung bình, 41% công ty trong mỗi ngành nói rằng ưu tiên của họ là duy trì quy mô hiện tại. Mặt khác, trung bình 30% các công ty khác chọn giảm quy mô.

Kết quả khảo sát cũng cho biết, khoảng 7 - 25% DN trong mỗi ngành khẳng định sẽ mở rộng quy mô và dưới 36% số còn lại nhận đơn hàng gia công sản phẩm khác. Điều này cho thấy các DN vẫn đang nỗ lực ứng biến và duy trì hoạt động trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.

Cùng với đó, giảm giờ làm và cắt giảm lao động là hai lựa chọn chủ đạo của trung bình 38 - 38,5% DN trong mỗi ngành. Theo đó, khoảng 4 - 33% DN cắt giảm dây chuyền sản xuất và cuối cùng, chỉ khoảng dưới 9% DN lựa chọn đóng cửa nhà máy.

Đối với giải pháp cắt giảm nhân sự, hầu hết các công ty trong cuộc khảo sát (ít nhất 59%) đều cắt giảm dưới 10% lực lượng lao động. “Cắt giảm 10 - 20%” là lựa chọn cao thứ 2 với tỷ lệ dưới 30% cho mỗi ngành. Tiếp theo là lựa chọn “Cắt giảm 20 - 40%, chiếm tỷ trọng dưới 20% mỗi ngành. Cuối cùng, chỉ 4 ngành có công ty (dưới 10%) phải cắt giảm hơn 40% lực lượng lao động.

Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới, mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới vẫn cao hơn so với số lượng DN đóng cửa ở mức 1,5 lần trong nửa đầu năm (so với 1,8 lần trong cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ đóng cửa DN lại gia tăng (lần lượt ở mức 11 và 18,3% so cùng kỳ trong các quý I và II), trong khi tốc độ tăng số lượng DN thành lập mới vẫn khá khiêm tốn (lần lượt ở mức -2 và 0,8% so cùng kỳ trong các quý I và II). Quy mô bình quân của DN mới thành lập cũng giảm.

Người lao động bị cắt giảm lương

Về phía NLĐ, Báo cáo của Navigos Group ghi nhận hầu hết công nhân trong ngành sản xuất phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương từ 30 - 50%. Theo thống kê, 58% lao động sản xuất bị cắt giảm tổng tiền lương từ 30 - 50%, 34% lao động sản xuất bị cắt giảm tổng tiền lương dưới 10% và 6% bị cắt giảm tổng lương từ 10 - 30%. Chỉ có 2% số người tham gia bị giảm hơn 50% tổng số tiền lương.

Ngoài ra, NLĐ còn bị giảm giờ làm, giảm lương làm thêm giờ và không nhận được các khoản phụ cấp, phúc lợi như thông thường.

Để ứng biến với tình huống khó khăn trên, phần lớn NLĐ chọn cách cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng để đương đầu với khó khăn. 60% nhân viên tham gia khảo sát chọn cách cắt giảm chi phí sinh hoạt để đối phó với khó khăn, 37% làm việc bên ngoài và chỉ 3% chọn làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng cần nâng cao các kỹ năng “mềm” và “cứng” để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Nhu cầu bên ngoài suy giảm đặc biệt gây ảnh hưởng đến các DN và NLĐ trong các lĩnh vực chế tạo chế biến ở các địa bàn xuất khẩu trọng tâm. Số liệu của 63 tỉnh thành do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cho thấy số lượng đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 59% từ quý I đến quý II/2023. Mức tăng trên không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng đến trên 62% so với quý trước.

Trước khó khăn vì giảm thu nhập, NLĐ đều mong muốn được duy trì mức lương, phụ cấp/phúc lợi và đảm bảo hợp đồng dài hạn. 35% nhân viên mong không bị giảm lương, 28% mong được bảo vệ theo hợp đồng dài hạn, 28% mong được duy trì phúc lợi và 9% mong được nhận đủ số giờ làm việc.

Theo báo cáo, chỉ 8% số DN được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong 3 tháng. Vì vậy, hiện nay, các chính sách giảm thuế, phí, giảm lãi suất vốn vay là mong muốn hàng đầu của các DN. Số liệu từ báo cáo cho thấy, 29 - 70% DN mong muốn được Chính phủ hỗ trợ về miễn giảm thuế, phí. Ngoài ra, 7 - 50% DN mong đợi sự hỗ trợ từ các chính sách giảm lãi suất cho vay. Số ít DN còn lại muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất và các kỳ vọng khác. Trước mắt, hầu hết các công ty vẫn chọn giải pháp tận dụng tình hình hiện tại để nâng cao năng suất và dẫn đầu thị trường./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp thu hẹp quy mô, công nhân lao đao vì giảm thu nhập