Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm |
FDI vào các nền kinh tế đang phát triển châu Á giảm mạnh
Nguyên nhân khiến dòng vốn FDI sụt giảm theo Liên Hợp Quốc là do vị thế công xưởng thế giới khiến cho châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước những gián đoạn mà đại dịch Covid-19 gây ra.
"Dòng vốn chảy vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nước này dễ bị tổn thương trước các gián đoạn trong chuỗi cung ứng, sức nặng của FDI tập trung vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khu vực và áp lực đa dạng hóa địa điểm sản xuất trên toàn thế giới", báo cáo của Liên Hợp Quốc nêu.
Theo báo cáo này, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, tính cả Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc nhận được gần 1/3 dòng FDI của thế giới trong năm 2019 với tổng giá trị lên đến 437,9 tỉ USD. Các khoản đầu tư mới (GI) trong khu vực như nhà xưởng, trung tâm nghiên cứu và văn phòng đều đã giảm 37% từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới trong tháng 4 thấp hơn 30% so với mức trung bình hàng tháng của năm 2019, mặc dù đã có cải thiện sau tháng 3.
Năm ngoái, Trung Quốc thu hút được đến 29% vốn đầu tư trong khu vực. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong quí I/2020 sụt giảm 13%, trừ ngành tài chính.
Tại Đông Nam Á, đầu tư mới trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đồ điện tử trong quý I/2020 đã giảm lần lượt là 67% và 36%, so với mức trung bình theo quý của năm 2019. Đông Nam Á được xem là động cơ thu hút vốn FDI của châu Á. Ngoài ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa trong nước và các gián đoạn trong lao động, ngành công nghiệp của Đông Nam Á cũng gặp phải vấn đề về nguồn cung. Theo báo cáo Liên Hợp Quốc, Trung Quốc chiếm tới 40 – 60% nguồn cung bộ phận và linh kiện điện tử cho các nhà máy tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
FDI vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển giảm 5% so với năm ngoái, phần lớn do FDI vào Hong Kong và Hàn Quốc giảm lần lượt 34% và 13%. Dòng vốn đầu tư vào Hong Kong sụt giảm do lo ngại về bất ổn xã hội, còn Hàn Quốc thì xảy ra rạn nứt thương mại với Nhật Bản. Các lệnh phong tỏa trên qui mô lớn đã làm chậm tiến trình các dự án hiện có trong khu vực và khó có khả năng dòng vốn đầu tư vào khu vực sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian gần.
"Đại dịch hiện nay là cú sốc về nguồn cung, nhu cầu và cả chính sách đối với FDI", báo cáo nhận định.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc dự đoán đầu tư xuyên biên giới toàn cầu sẽ hồi phục từ năm 2022, cũng như cảnh báo những xu hướng xuất hiện từ COVID-19 sẽ "để lại hệ quả lâu dài đối với trật tự sản xuất quốc tế trong thập kỷ đến năm 2030". Những xu hướng này bao gồm ý muốn theo đuổi quyền tự chủ chuỗi cung ứng và "sự thay đổi chính sách theo hướng chủ nghĩa dân tộc kinh tế" của các nền kinh tế.
MNEs tái cấu trúc địa điểm và cách thức đầu tư
Theo các chuyên gia, FDI không chỉ là việc quốc gia được nhận đầu tư nhiều hay ít như một bảng xếp hạng thi đua. Nó thực chất là câu chuyện về triển vọng thay đổi của các tập đoàn đa quốc gia(MNEs). Nếu thế giới thường hay kể về đế chế Apple, Microsoft, Tesla, Facebook… tại Việt Nam chúng ta sẽ nói những cái tên quen thuộc như Samsung, Formosa, Nike, Cocacola…
Trước và trong tranh chấp thương mại, thế giới hay bàn về sự dịch chuyển dòng vốn, nghĩa là các công ty đa quốc gia này chỉ chuyển địa điểm thay vì đầu tư vào quốc gia này chọn điểm đến mới. Điều bất ngờ ở chỗ, trong năm 2020 sự dịch chuyển này có phần thiếu con số ủng hộ, trong khi kịch bản chỉ đơn giản là ngưng gia tăng đầu tư ra nước ngoài hợp lý hơn. Các MNEs này chuyển hướng đầu tư nội địa hay đang thu hẹp quy mô sản xuất, thế giới chưa có câu trả lời chi tiết. Nhưng tương quan giữa tăng trưởng toàn cầu sụt giảm năm 2019 và sụt giảm quy mô đầu tư FDI toàn cầu, cho thấy kịch bản thu hẹp sản xuất có vẻ được ủng hộ.
Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy đối tượng đang bị ảnh hưởng và đang chịu những cú sốc, chính là các MNEs. Bởi chỉ số khác cũng phản ảnh về tình hình của các MNEs là chỉ số mua bán và sáp nhập (M&A) liên quốc gia, cũng đã ghi nhận sụt giảm hơn 50% trong những tháng đầu năm 2020 so với năm ngoái. Quy mô FDI toàn cầu chủ yếu dựa trên đầu tư của 5.000 doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất thế giới, trong khi các doanh nghiệp này đã điều chỉnh giảm trung bình 40% đối với lợi nhuận dự kiến, một số ngành đã bắt đầu thua lỗ. Dễ thấy, khi lợi nhuận các MNEs thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập tái đầu tư, từ đó ảnh hưởng lên mức đầu tư tương lai của dòng vốn FDI.
Năm 2022, dự kiến thế giới có sự phục hồi của dòng vốn FDI đi kèm với quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ. Sự thay đổi này không chỉ ở địa điểm đầu tư là quốc gia này hay quốc gia kia, còn cả ở hình thức. Rút kinh nghiệm từ bài học Trung Quốc, các MNEs có thể sẽ chuyển hướng để “vô hình” nhất có thể dựa vào sự phát triển của công nghệ 4.0. Nghĩa là, sự tái cấu trúc của MNEs có thể sẽ đi kèm với việc hạn chế tối đa phụ thuộc vào một quốc gia, địa điểm kinh doanh nào đó, nhằm gia tăng sự linh hoạt để đối phó với những cú sốc. Cái gì thực sự cần đầu tư trực tiếp ở nước ngoài mới đầu tư, cái gì có thể triển khai online “vô hình” hóa, hoặc ở trong nước cũng được ưu tiên cân nhắc. Hoặc cũng có thể là xu hướng mới trong đầu tư của các MNEs theo hướng đa dạng hóa quốc gia đầu tư để phân tán rủi ro địa chính trị.
Thách thức FDI Việt Nam
Tại Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu về tổng vốn FDI, theo sau là Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. FDI tại Việt Nam đăng ký mới sụt giảm, trong khi giải ngân thực hiện gia tăng, chủ yếu nhờ vào dư âm của dòng vốn đăng ký các năm trước, nay đến giai đoạn thực hiện. Năm 2019, tổng vốn giải ngân đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2018. FDI liên tục gia tăng qua nhiều năm cũng nhờ vào chính sách của Việt Nam khá cởi mở, hệ thống thuế có nhiều ưu đãi cho các MNEs, nhất là các doanh nghiệp nằm đúng trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Các hình thức ưu đãi phổ biến để thu hút FDI của Việt Nam là miễn thuế đối với một số loại thu nhập; ưu đãi suất thuế; ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế; chuyển lỗ; khấu hao nhanh. Với định hướng là nền kinh tế mở, Việt Nam đặt kỳ vọng nhiều ở dòng vốn FDI cho sự tăng trưởng sắp tới.
Tuy nhiên, cần lưu ý quy mô dòng vốn này đang rơi mạnh kỷ lục, và sắp có chuyển biến cả quy mô, quy cách đầu tư trong tương lai gần. Điều đó đặt ra thách thức cho cách thức để thu hút dòng vốn đầu tư, cũng như có biện pháp mới để quản lý và thu thuế.
NAM SƠN (Tổng hợp)