Tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả

(BKTO) - TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, việc triển khai thực hiện Đề án 1058 của hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực.



                
   

“Sức khỏe” của các TCTD ngày càng được cải thiện tích cực

   

Nền tảng tài chính hệ thống ngân hàng vững hơn

Ông Trần Đăng Phi - Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Đề án 1058 về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đồng thời xây dựng đề án mới về tái cơ cấu các TCTD.

Báo cáo sơ bộ về tình hình triển khai Đề án 1058, lãnh đạo NHNN cho biết, đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống, tổng tài sản đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống, tăng 37,01% so với cuối năm 2016. Để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo phương pháp tiêu chuẩn chuẩn mực vốn Basel II, NHNN đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng này thực hiện đồng bộ các giải pháp để bù đắp vốn thiếu hụt.

Căn cứ nhu cầu tăng vốn rất cấp thiết của các NHTM Nhà nước, trên cơ sở thống nhất với các bộ liên quan, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền về Phương án tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước. Về phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank, Quốc hội đã thông qua đề xuất trên của NHNN và chính thức cho phép bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng vốn cho Agribank.

Đối với các NHTMCP, NHNN tiếp tục giám sát các NHTMCP thực hiện Phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, đồng thời yêu cầu một số ngân hàng rà soát tình hình triển khai, đề xuất sửa đổi, bổ sung phương án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong hoạt động.

Các NHTMCP đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đến tháng 3/2020, vốn điều lệ của NHTMCP đạt 286,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% toàn hệ thống, tăng 42,51% so với cuối năm 2016; tổng tài sản đạt 5.252,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% toàn hệ thống, tăng 53,15% so với cuối năm 2016.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, việc triển khai thực hiện Đề án 1058 của hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm mạnh xuống dưới 3%. Có ngân hàng chỉ trong hai năm (2018-2019) xử lý khối lượng nợ xấu bằng cả 5 năm trước đó.

Có được “trái ngọt” đó, theo TS. Nghĩa là nhờ bên cạnh quyết liệt của các ngân hàng được cộng hưởng từ sự sôi động trong hoạt động kinh doanh của DN, thị trường BĐS ấm lên đã hỗ trợ xử lý nợ xấu khá tốt. Điểm sáng tiếp theo, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố tốt, không có dấu hiệu mất thanh khoản ở bất cứ giai đoạn nào. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, lòng tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng rất lớn; nhất là qua dịch Covid-19 vừa qua tạo ra lòng tin mới của dân chúng nói chung, người gửi tiền nói riêng đối với hệ thống ngân hàng. Kết quả tích cực nữa là chuẩn mực an toàn nói chung đều được NHNN kiểm soát tốt, có cải thiện.

Xử lý nợ xấu là vấn đề then chốt

Vậy, bước sang giai đoạn tiếp theo trong đề án tái cơ cấu mới hệ thống TCTD cần lưu ý những vấn đề gì để tăng cường hiệu quả cũng như đảm bảo sự lành mạnh, an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng? Giới chuyên môn nhận thấy, một trong lực cản cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn mới của Đề án tái cơ cấu đó chính là xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN, đến nay, chưa thể biết dịch bệnh trên thế giới diễn biến thế nào, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các nước chưa kiểm soát được dịch, nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng, có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu còn có thể cao hơn nếu DN chậm hồi phục, thị trường xuất khẩu tiếp tục gián đoạn. Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản là yêu cầu quan trọng nhất đối với Đề án tái cơ cấu giai đoạn mới của hệ thống các TCTD. Do đó các ngân hàng phải có biện pháp khắc phục căn bản nợ xấu kể cả nợ xấu quá khứ để lại và mới hình thành trong giai đoạn chịu tác động từ Covid-19.

Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, bên cạnh tập trung hỗ trợ để khách hàng không rơi vào nhóm nợ xấu, ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm. Theo quan điểm của TS. Nghĩa, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường BĐS vì tài sản đảm bảo cho các khoản nợ chủ yếu là BĐS.

Một yêu cầu trọng tâm khác cần được đưa vào trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo được gợi ý là đổi mới căn bản quản trị hoạt động theo hướng số hoá. Theo nhận định của TS. Nghĩa, trong quá trình phát triển nhân loại có thay đổi lớn về công nghệ, kéo theo thay đổi cả thời đại kinh tế. Nhưng hiện tại so với thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang khá chậm chạp trong số hoá hoạt động quản trị. Đây là thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng không chỉ về quản trị mà cả về hệ thống thanh toán, đào tạo lại nhân lực... đều phải hoạt động trên nền tảng số hoá. “Chỉ có số hóa mới một mặt tạo năng suất lao động mới, mặt khác tiết giảm chi phí hoạt động. Tiết giảm được chi phí mới giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu trong quá khứ và tương lai duy trì nền tảng tài chính của các NHTM ổn định”, TS. Nghĩa nhấn mạnh và cho biết chi phí hoạt động trên tổng chi phí của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức 16-18%. Nếu làm tốt được việc số hóa hoạt động có thể giảm về mức khá trong khu vực Đông Nam Á ở mức 12-14%.

Về các chuẩn mực an toàn nói chung, theo một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, vẫn còn khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế. Đơn cử hiện nhiều ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn Basel II. “Nếu tính một cách chi li thì tỷ lệ CAR của nhiều ngân hàng vẫn còn thấp so với chuẩn của Việt Nam chưa nói đến chuẩn quốc tế. Thậm chí tỷ lệ đấy ở ngân hàng quốc doanh còn thấp hơn”, vị này nhận xét và khuyến nghị, trong đề án tái cơ cấu sắp tới, ngoài quy định đáp ứng đủ về vốn cấp 1, cấp 2 nên cân nhắc đưa yêu cầu về đệm tài chính - khoản vốn dự phòng đối với các ngân hàng.
Theo thoibaonganhang.vn
Cùng chuyên mục
Tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả