Tăng tốc thanh toán điện tử, hướng tới nền kinh tế số

(BKTO) - Sáu tháng đầu năm 2020, trong khi tín dụng giảm sâu, nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng... thì hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) lại có bước phát triển mạnh mẽ. Đây là động lực để nhiều quyết sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong lĩnh vực này sớm được ban hành và đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới xây dựng nền kinh tế số.




Hoạt động TTĐTLNH đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Gia tăng dịch vụ tiện ích cùng nhiềuưu đãi, hỗ trợ thiết thực

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, nửa đầu năm nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Riêng 4 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,3%; giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị; thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị.

Cùng với đó, thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Các ngân hàng, trung gian thanh toán đã tích cực phối hợp trong việc triển khai thanh toán điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành một loạt các thông tư, quyết định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như: điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống TTĐTLNH, áp dụng từ ngày 01/4 - 31/12/2020; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ...

NHNN cũng đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán. Đến nay, 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua NAPAS được áp dụng miễn hoặc giảm phí. Ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy: “Các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trong thời gian qua đã được NHNN chủ động triển khai kịp thời, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và hỗ trợ người dân, DN đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân” - Báo cáo của NHNN nhấn mạnh.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán điện tử

Kết quả đạt được trên còn phản ánh sự dịch chuyển của hoạt động thanh toán trong nền kinh tế theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhiều hơn. Điều này vừa mang lại tiện ích cho người dân vừa tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần có các giải pháp để phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Một trong bốn giải pháp được Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam phục hồi nền kinh tế là khai thác tối đa chương trình chuyển đổi số. Theo đó, DN viễn thông và ngân hàng thương mại cần hợp tác chặt chẽ để xác định, tạo các tài khoản giao dịch nhằm hỗ trợ việc nhận thanh toán tiền, hướng tới phổ cập tài chính toàn dân; thúc đẩy thương mại bằng cách sử dụng hiệu quả các công nghệ đột phá để tinh gọn các quy trình thực hiện, bao gồm đăng ký tài khoản, thanh toán trên nền tảng di động.

Khuyến nghị mà WB đưa ra gần đây cũng phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ đối với hoạt động thanh toán, đặc biệt là TTKDTM. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá kết quả thực hiện Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 và đề xuất biện pháp đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới. Trong Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao NHNN trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về TTKDTM trước ngày 01/7/2020; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân TTKDTM. Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho phép phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Hiện Quyết định cá biệt về thí điểm Mobile Money đã được NHNN trình Thủ tướng Chính phủ và đang chờ phê duyệt.

Để thực hiện tốt các chỉ đạo trên, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công... NHNN cũng sẽ tổng kết Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Đề án này trong giai đoạn 2021-2025; tăng cường hợp tác ngân hàng - Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng; đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần tăng tốc TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới xây dựng nền kinh tế số.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Tăng tốc thanh toán điện tử, hướng tới nền kinh tế số