Tăng chế tài xử phạt để dẹp nạn phân bón giả

(BKTO) - Lượng phân bón trong nước đang được lưu hành rất lớn với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo khiến phân bón giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại sản phẩm này.




Phân bón dư thừa quá lớn

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón; số lượng sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ được phép lưu hành là hơn 14.000 sản phẩm, trong đó phân hữu cơ chiếm 53%. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương gửi về, nên số lượng phân bón vẫn tiếp tục tăng.

Với số lượng phân bón và nhà máy sản xuất như trên, ước tính lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn, cùng với khoảng 4 triệu tấn phân nhập khẩu, tổng sản lượng phân bón đã lên tới 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (chỉ cần từ 10-11 triệu tấn/năm).

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Trung, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiện nay, số lượng phân bón dư thừa quá lớn dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ thị trường phân bón sẽ rất khó xử lý.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2015 cả nước có trên 4.000 vụ vi phạm về phân bón giả và kém chất lượng, đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm; trong đó, nhiều vụ việc chưa được giải quyết bởi pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Để khắc phục tình trạng thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn, tháng 9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP (Nghị định 108) về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm: công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất - nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam. Nhiều điểm mới trong Nghị định cũng đã được các chuyên gia phân tích kỹ lưỡng, giúp người dân và DN hiểu sâu và yên tâm hơn về thị trường phân bón thời gian tới.

Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy cho rằng, Nghị định 108 ra đời là công cụ pháp lý để quản lý nhà nước về phân bón, nhưng không phải là “vũ khí thần tiên” để dẹp nạn phân bón giả. Bởi lẽ, Nghị định dù có mạnh đến đâu, nếu khâu tổ chức không được tốt, không ngăn chặn lợi ích nhóm và các cơ sở sản xuất vẫn còn gian lận thì nạn phân bón giả vẫn còn tiếp tục tái diễn. Kiểm tra thực tế tại 56 cơ sở sản xuất phân bón cho thấy có 20 cơ sở không có giấy phép. Do đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiểm tra chặt chẽ sẽ rất khó xử lý tình trạng phân bón giả tràn lan như hiện nay.

Tăng nặng chế tài xử lý

Để giải quyết vấn nạn phân bón giả, theo các chuyên gia, bên cạnh việc siết chặt thị trường từ khâu sản xuất, nhập khẩu phân bón, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất trong nước là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cho rằng, hệ thống trung tâm khảo nghiệm, kiểm định có vai trò rất quan trọng, đây là hàng rào kỹ thuật về pháp lý quyết định sự công bằng và minh bạch đối với nhà sản xuất, người dân. Nhưng thời gian qua, nhiều trung tâm đã cấp khống lưu hành cho hàng nghìn sản phẩm, sai về kiểm tra mẫu sản phẩm, cấp phép, mà vẫn không quy trách nhiệm. Do đó, để giải quyết được vấn nạn này, cần phải xử lý triệt để lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các vụ sai phạm, tăng chế tài xử phạt và công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Hoàng Trung cho biết, muốn ngăn được nạn phân giả, kém chất lượng phải xử lý thật nghiêm, dứt điểm những sai phạm đã qua. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành tổng kiểm tra lại các trung tâm khảo nghiệm chất lượng phân bón, qua đó khẳng định năng lực đánh giá chất lượng phân bón, đồng thời nâng cao năng lực của các trung tâm này trong tình hình mới. Tới đây, các tổ chức chứng nhận chất lượng có nhiều sai sót, sẽ không được tham gia vào việc kiểm nghiệm.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, đối với các sai phạm trong sản xuất phân bón, ngoài xử phạt bằng tiền áp dụng tăng thêm 7 lần, Dự thảo Nghị định cần bổ sung biện pháp thu hồi giấy chứng nhận từ 12 - 24 tháng. Trường hợp nếu không chấp hành, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị tước quyền hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tham gia chứng nhận khảo nghiệm vĩnh viễn và áp dụng các hình thức bổ sung như lập tức đóng cửa nhà máy sản xuất. Với phân bón nhập khẩu, nếu sai phạm thì lập tức tái xuất, còn với sản phẩm sản xuất trong nước thì sẽ tiêu hủy, kiên quyết không cho tái chế.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Khai thông thị trường  xuất khẩu thịt lợn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Mặc dù có tiềm năng phát triển và xuất khẩu, nhưng từ nhiều năm nay sản phẩm thịt lợn Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do thịt lợn Việt Nam chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của một số quốc gia trên thế giới.
  • Ứng dụng công nghệ cao  trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn về việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).
  • Nhiều rào cản trong phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủy sản Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và được thế giới ưa chuộng nhưng dường như chưa tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong nước. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DN sản xuất, chế biến thủy sản nêu ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
  • Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tìm biện pháp giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng không còn là vấn đề mới. Thế nhưng, câu chuyện ấy vẫn luôn làm nóng không khí của những tọa đàm, hội thảo bởi mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa vay vốn nhưng hiệu quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn.
  • Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) còn nhiều bất cập
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo dự kiến, Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh.
Tăng chế tài xử phạt để dẹp nạn phân bón giả