Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng

(BKTO) - Tìm biện pháp giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng không còn là vấn đề mới. Thế nhưng, câu chuyện ấy vẫn luôn làm nóng không khí của những tọa đàm, hội thảo bởi mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa vay vốn nhưng hiệu quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn.



Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mới đây, DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Tính đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng đối với loại hình DN này mới chiếm khoảng 21,1% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Thế nhưng, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của DN.

Mang tâm tư của một DN nhỏ và vừa đến Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho DN nhỏ và vừa” do NHNN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân Lâm Văn Chiểu giãi bày, DN của ông sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam với diện tích lúa và số vốn đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, do DN đi thuê cánh đồng của bà con nông dân nên diện tích đất sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Bởi vậy, ông Chiểu mong muốn hệ thống ngân hàng tăng cường xem xét, tạo thuận lợi cho DN được vay tín chấp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, thiếu tài sản thế chấp là một trong những nguyên nhân khiến DN nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, nhiều DN than rằng, thủ tục vay vốn ngân hàng vẫn rườm rà, phức tạp. Hơn nữa, DN nhỏ và vừa thường có ít ưu thế hơn so với các DNNN hay DN lớn. Điều này đã khiến cho một số tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa.
Trong khi đó, các TCTD lại cho rằng, dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực mới, đặc thù. Thêm nữa, việc kiểm soát nguồn vốn vay của các DN nhỏ và vừa cũng không dễ dàng. Bởi, “phần lớn các DN nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, quyền sở hữu tài sản không minh bạch, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay...” - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Bên cạnh nguyên nhân từ phía ngân DN và ngân hàng, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng - DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; nguồn lực NSNN rất hạn chế, một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy; bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa chưa được đẩy mạnh; thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN; thị trường vốn còn nhỏ bé, chưa phát triển; môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đồng thời, các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan cũng cần tập trung thực hiện các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn như: đẩy mạnh khai thác hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh DN nhỏ và vừa; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, sản phẩm, đối tác trợ giúp DN nhỏ và vừa; thúc đẩy các chương trình cụm liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết 3 khối DN; phát triển cân bằng thị trường tài chính; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển, hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Với vai trò là cơ quan chỉ đạo, điều hành, NHNN cũng đã cam kết tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cơ quan này cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và DN; tích cực triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - DN; khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho DN nhỏ và vừa.

Cùng với sự vào cuộc của ngân hàng cũng như các Bộ, ngành, cơ quan, DN nhỏ và vừa cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và “phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong Báo cáo tài chính. Đây là cơ sở để ngân hàng có được niềm tin và đồng hành cùng DN” - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) còn nhiều bất cập
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo dự kiến, Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh.
  • Tạo đột phá, vượt trội để phát triển kinh tế - xã hội
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 14 vừa qua. Điểm đặc biệt của Dự thảo Luật này là được quy định cơ chế đặc biệt, có thể vượt các luật khác nhằm kiến tạo mô hình phát triển mới tại các vùng với những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.
  • CPH, thoái vốn DNNN vẫn chậm
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Từ kết quả 9 tháng qua mới có 11/44 DNNN thuộc diện cổ phần hoá (CPH) trong năm 2017 được phê duyệt phương án CPH, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục tài chính DN (Bộ Tài chính) nhận định, tiến độ CPH và thoái vốn vẫn chưa được như mong đợi!
  • Sửa đổi 5 luật thuế:  Tác động thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp?
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với 30 chính sách thuế được sửa đổi có tác động lớn đến nhiều ngành, nghề khác nhau, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên tiếp tục thu hút sự quan tâm góp ý của nhiều DN và chuyên gia.
  • APEC 2017:  Cơ hội tăng cường hợp tác  cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một thị trường đặc biệt rộng lớn và tiềm năng để các DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong và ngoài khu vực. Cơ hội ấy được đặc biệt nhấn mạnh khi Việt Nam là nước chủ nhà của năm APEC 2017.
Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng