Ứng dụng công nghệ caovẫn còn hạn chế
Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên. Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Nguyễn Hồ (tỉnh Hậu Giang) bày tỏ lo ngại: “Khi chúng ta phấn đấu làm theo cách sản xuất mới, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khó và là cái chúng tôi phải hết sức phấn đấu. Liệu rằng việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 sắp tới, với hàng loạt đòi hỏi cao hơn về khoa học, công nghệ (KHCN), vốn, kiến thức…, có quá sức đối với nông dân hay không?”.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm hợp tác xã Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Công Thừa cho biết, đơn vị đang trồng rau quả VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), áp dụng công nghệ nhà kính, tự động hoá tưới tiêu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD/năm. “Thời gian qua, tôi cũng đã nghe nói đến nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thực sự hiểu đó là gì và có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi đang áp dụng? Nếu áp dụng, nông nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá ra sao?” - ông Thừa băn khoăn.
Chia sẻ về thực tế ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại trang trại của mình, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An) Võ Quan Huy cho hay, DN này đang canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp. Ở trang trại của ông, việc nuôi bò đều đã được cơ giới hóa, công ty đang tìm cách ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hóa việc cung cấp thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Việc ứng dụng công nghệ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe do nước ngoài đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao, trong đó việc nhập khẩu các thiết bị rất đắt đỏ. Thêm nữa, nguồn nhân lực để sử dụng các thiết bị này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tạo hành lang pháp lý để DN đầu tư vào nông nghiệp
Chia sẻ về việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nông dân Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho rằng, Nhà nước cần tập trung giải quyết 3 điều kiện: hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải dành cho người quản lý, hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ tiếp cận; cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất; cơ sở dữ liệu phải phù hợp với ngành hàng và thị trường. Theo ông Bộ, làm nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, để thành công, người sản xuất và DN phải có bản lĩnh, dũng cảm và tâm huyết với nông nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước theo kiểu phong trào, cũng như không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình Trần Mạnh Báo cho rằng, chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay nông nghiệp 4.0 mà trước hết cần bắt đầu từ cơ giới hoá rộng rãi nông nghiệp, thay đổi nhận thức của nông dân, ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để phát triển nền nông nghiệp 4.0, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông). Cụ thể, 4 nhà cần xác định các công nghệ, lĩnh vực trong khu vực nông nghiệp cần ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách về thuế, chi NSNN, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thị trường...; trong đó chú trọng các cơ chế huy động nguồn lực theo thị trường, bảo đảm hiệu quả, bền vững như: cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Trong quý IV/2017, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo hành lang pháp lý, thuận lợi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 19-10-2017