Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín - Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm 2021, sản xuất thủy sản, chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt bắt đầu vào mùa mưa bão, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh dịch bệnh; cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường; nhất là diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làm gia tăng nguy cơ đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có giải pháp cụ thể tổ chức tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Các địa phương cần chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ và của địa phương tại các cảng cá, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng lao động và quản lý tại cảng cá, thuyền viên, lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch và tổ chức sản xuất.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Bộ NN&PTNT đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, mới nhập đàn.
Cùng với đó, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường. Đồng thời, hướng dẫn chủ vật nuôi, người nuôi trồng thủy sản khi thấy gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân.