Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

5.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách.

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông (ATGT).

Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn

Các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải… Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.

Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch… Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, ATGT, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn quốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.

Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, trình Quốc hội thông qua. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các chế tài trong Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở quả tải trọng cho phép…

Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu cụ thể các nhiệm vụ đối với từng Bộ, ngành, địa phương./.

Cùng chuyên mục
  • Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải đáp ứng nhiều tiêu chí
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Công Thương vừa ban hành về tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025 tại Quyết định số 950/QĐ-BCT.
  • Bộ Xây dựng phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc Bộ Xây dựng và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, Bộ phấn đấu, đến hết ngày 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 phải đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
  • Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp
    một năm trước Đầu tư
    Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp còn rất hạn chế. Thực trạng đó đòi hỏi các ngành chức năng phải dành sự quan tâm thích đáng, có các chính sách khả thi nhằm thúc đẩy làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực này để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.
  • Kịch bản nào cho thị trường bất động sản?
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết thúc quý I/2023, nhìn chung thị trường bất động sản (BĐS) vẫn trong trạng thái khá trầm lắng. Bước sang quý II, sau hàng loạt động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, kỳ vọng được đặt ra là thị trường BĐS sẽ có những tín hiệu phục hồi, khởi sắc.
  • Băn khoăn quy định về điều tiết thị trường bất động sản
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ dành một chương riêng quy định về bình ổn, điều tiết thị trường trong trường hợp thị trường bất động sản “sốt nóng” hoặc “đóng băng”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính hợp lý, khả thi của quy định này.
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới