Đề xuất nhiều giải pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán

(BKTO) - Những thành tựu, hạn chế trong thực hiện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2015 của KTNN đã được Vụ Tổng hợp nêu bật tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2016 của KTNN. Trên cơ sở đó, Vụ đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp thiết thực để toàn ngành có thể đạt kết quả cao hơn trong thực hiện KHKT năm 2016.




Nhiều KHKT đã thu thập được khá đầy đủ thông tin cho việc xác định trọng tâm, nội dung kiểm toán.Ảnh: THANH TÙNG

Có thành tựu nhưng vẫn còn hạn chế

Nhìn lại kết quả triển khai thực hiện KHKT năm 2015 cho thấy, về cơ bản KHKT của từng cuộc kiểm toán đã bám sát hướng dẫn và định hướng của ngành về phương án tổ chức kiểm toán, bố trí nhân lực, thời gian kiểm toán theo các đề cương kiểm toán đã được phê duyệt. Hầu hết các KTNN chuyên ngành, khu vực đã tổ chức thu thập thông tin về công tác quản lý, điều hành và sử dụng tài chính, tài sản công; tổ chức đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ, tình hình thanh tra, kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán đầy đủ hơn những năm trước.

Một số KHKT đã thu thập được khá đầy đủ thông tin cần thiết cho việc xác định trọng tâm, nội dung kiểm toán, bởi vậy việc đánh giá rủi ro, xác định trọng tâm kiểm toán cơ bản phù hợp với thông tin đã thu thập và mục tiêu của cuộc kiểm toán; KHKT đã xác định được phạm vi, giới hạn và đối tượng kiểm toán phù hợp với mục tiêu, nội dung kiểm toán. Các Đoàn kiểm toán đã bám sát mục tiêu, phạm vi, nội dung kiểm toán theo KHKT đã được lãnh đạo KTNN phê duyệt để tổ chức kiểm toán. Một số cuộc kiểm toán ngân sách và kiểm toán Báo cáo tài chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã có nhiều phát hiện và đánh giá về công tác quản lý tài chính, tài sản công và đưa ra kiến nghị xử lý tài chính tương đối lớn (tổng hợp kết quả đến 30/01/2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 12.526 tỷ đồng, trong đó tăng thu 3.387 tỷ đồng, giảm chi 4.780 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.359 tỷ đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kiểm toán năm 2015 của ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: việc xác định trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong KHKT của một số cuộc kiểm toán chưa căn cứ đầy đủ vào kết quả thu thập thông tin và đánh giá rủi ro; một số KHKT thu thập thông tin chưa đầy đủ dẫn đến phải điều chỉnh quyết định kiểm toán; công tác lập, thẩm định, xét duyệt và hoàn thiện KHKT, Báo cáo kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực chưa có nhiều đổi mới.

Cùng với điểm tích cực là các đề cương kiểm toán cơ bản được các đơn vị chủ trì quan tâm xây dựng, phản ánh khá đầy đủ mục tiêu, phạm vi và nội dung kiểm toán thì qua quá trình triển khai thực hiện còn thấy một số đề cương kiểm toán có nội dung chưa phù hợp; thời gian ban hành đề cương kiểm toán muộn; các KTNN chuyên ngành, khu vực chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí và sử dụng hiệu quả lực lượng công chức không tham gia kiểm toán…

Tập trung nâng caochất lượng kiểm toán

Đối với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán 2016, lãnh đạo KTNN đã ban hành Quyết định số 1905/QĐ-KTNN ngày 29/12/2015 về KHKT năm 2016 với 182 đầu mối, đơn vị được kiểm toán. Trong đó, với lĩnh vực NSNN, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, KTNN còn tổ chức kiểm toán ngân sách năm 2015 của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2 thành phố trực thuộc tỉnh và 16 Bộ, cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, KTNN còn thực hiện 15 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có 2 chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; 8 chủ đề kiểm toán hoạt động; 43 dự án đầu tư; 29 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng; 20 đầu mối, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng.

Để thực hiện KHKT năm 2016 đạt chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán năm nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động của các đơn vị được kiểm toán, Vụ Tổng hợp đã đề xuất ngành cần tập trung triển khai một số giải pháp.

Đáng chú ý, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật KTNN (sửa đổi); tiếp tục tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong hoạt động kiểm toán, cần tiếp tục đẩy mạnh phương pháp kiểm toán tổng hợp, đi sâu đánh giá quá trình quản lý, điều hành ngân sách, bố trí thời gian kiểm toán, phát hành Báo cáo kiểm toán hợp lý nhằm phục vụ tốt nhất công tác phê chuẩn quyết toán của Quốc hội, HĐND các cấp. Đồng thời cần bổ sung, hoàn thiện đề cương kiểm toán ngân sách địa phương, các chuyên đề đã ban hành trong năm 2015 và tổ chức xây dựng đề cương kiểm toán mới nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn ngành; tăng thời gian, nhân lực và mở rộng phạm vi khảo sát để thu thập đầy đủ thông tin phục vụ việc đánh giá rủi ro, xác định trọng tâm, mục tiêu, phạm vi, nội dung kiểm toán; tổ chức các Đoàn kiểm toán có quy mô phù hợp, đảm bảo cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Song song với đó là tập trung nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của từng cấp quản lý thông qua việc bám sát tình hình kiểm toán thực tế, duy trì tốt chế độ báo cáo tiến độ và kết quả kiểm toán; đổi mới phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, tăng cường thảo luận với đơn vị được kiểm toán để làm rõ cơ sở pháp lý của các kết luận, kiến nghị và số liệu kiểm toán xác nhận; chú trọng cập nhật, đánh giá thông tin đến thời điểm kiểm toán nhằm nâng cao tính thời sự, khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đổi mới kết cấu Báo cáo kiểm toán theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào bản chất vấn đề.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Đề xuất nhiều giải pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán