Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 11/10.



Cử tri ghi nhận những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, Trung ương đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.

“Công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước ta còn hạn chế, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế - xã hội. Lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội. Đến nay, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát, kết quả đó rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách có tính lịch sử thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao” - ông Đỗ Văn Chiến cho biết.                
   

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   
Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN, người dân, các tổ chức kinh tế trong việc tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, DN; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nhiều hoạt động thiện nguyện, thiết thực giúp đỡ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, cử tri lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài…

Bên cạnh đó, cử tri lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.

Liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông Đỗ Văn Chiến, thời gian qua, mặc dù đứng trước bộn bề khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, song công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực; hoan nghênh việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án án lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; mong muốn Đảng, Nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khẩn trương triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4. Trong đó, giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin (chú ý vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 tích hợp vào căn cước công dân; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế; nghiên cứu đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào Danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
                
   

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Đồng thời, khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích DN, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ đảm bảo nguồn lao động cho các DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các DN rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, đảm bảo cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp phát hiện có sai phạm…
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch Covid-19
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
  • Thanh tra Chính phủ nỗ lực hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2021
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Trong 9 tháng năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang..., ảnh hưởng đến hoạt động của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra. Song, Thanh tra Chính phủ đã bám sát đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được một số kết quả tích cực.
  • Doanh nghiệp, doanh nhân cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và khát vọng vươn lên, cùng xây dựng đất nước
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 12/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt đoàn DN của Diễn đàn các nhà lãnh đạo DN Việt Nam và vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam.
  • Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022.
  • Cần giải pháp căn cơ, đột phá để giữ vững tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020; hai năm (2019-2020) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, tại phiên họp sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT đồng thời lưu ý, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ, đột phá để đảm bảo tính bền vững của chính sách.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực