Tăng cường đấu giá trực tuyến

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về mức tiền đặt trước trong đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau đấu giá; tăng cường áp dụng hình thức đấu giá trực truyến để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản…

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, cuối giờ sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

dau-gia.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quy định rõ tiền đặt trước đối với tài sản đặc thù

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu ở Kỳ họp thứ 6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hôi Nguyễn Minh Sơn cho biết, liên quan đến quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước còn có quan điểm khác nhau.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Theo Báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

“Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng. Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước” - ông Sơn nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.

son.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Chẳng hạn, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản; đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm...

Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, đối với một số tài sản có giá trị lớn cần tiếp tục rà soát theo hướng tăng số tiền đặt trước để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức đấu giá.

“Trong Luật hiện nay quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%, nên chăng một số tài sản có giá trị lớn, đặc biệt thì nên tăng thêm vì anh nào cũng muốn đấu giá nhưng cuối cùng đấu xong rồi bỏ đấy” - Chủ tịch Quốc hội nói đồng thời lưu ý Luật cũng cần có quy định về lãi suất đối với khoản tiền đặt trước, để đảm bảo rõ ràng trong quá trình thực thi.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá

Tại phiên họp, vấn đề đấu giá trực tuyến cũng được các thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận.

140320241125-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có quy định nhằm đẩy mạnh hình thức đấu giá trực tuyến. Ảnh: VPQH

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung quy định về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn tại Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành.

Theo cơ quan thẩm tra, quy định này nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Nhấn mạnh quan điểm Luật cần có quy định để tăng cường áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên hoàn thiện khái niệm “Cổng Đấu giá tài sản quốc gia” trong Dự thảo Luật; trong đó, bổ sung thêm nội hàm là đáp ứng yêu cầu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp không chỉ xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia mà quy định thêm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu về lưu trữ, bảo mật thông tin theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Nên nghiên cứu để bổ sung dịch vụ công trực tuyến có thu phí có liên quan đến đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như phí thuê Cổng Thông tin đấu giá tài sản quốc gia, hoặc trang thông tin đấu giá để tổ chức đấu giá trực tuyến; để vừa có cơ sở sau này chúng ta thu phí tăng nguồn thu cho ngân sách vừa góp phần phát triển Chính phủ điện tử và dịch vụ công nói chung.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tiếp thu, giải trình ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ hướng tới phương án xã hội hóa, xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, tinh thần của cơ quan soạn thảo là không bắt buộc tất cả các hoạt động đấu giá đều phải tuân theo, mà tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người theo cơ chế thị trường, dân sự.

“Hiện nay, đã có một số đơn vị thực hiện đấu giá trực tuyến, việc áp đặt hành chính có thể dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.

Cùng chuyên mục
Tăng cường đấu giá trực tuyến