Tăng cường khả năng tiếp cận vốn từ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp

(BKTO) - Theo các chuyên gia, để hóa giải tình trạng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) thì xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp chính là một trong những ưu thế giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh và dễ dàng hơn trong tiếp cận với các quỹ tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì “đói” vốn

2.4-dnnvv.jpg
Trong Quý I/2024, bình quân một tháng thị trường giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Ảnh: ST

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong Quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7% và 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong Quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là những doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm; quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh, cũng như khó khăn của năm 2023.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội DNNVV (VINASME), vẫn có tỷ lệ khá cao những doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 5 năm đã phải tạm dừng hoạt động. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do DNNVV hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo ông Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, VINASME, chiếm hơn 98% trong tổng số khoảng 920.000 doanh nghiệp trong cả nước, song hiện nay, các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm, hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Bên cạnh đó, DNNVV cũng rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy…

Xếp hạng tín nhiệm giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận vốn

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thì một trong những yếu tố cần quan tâm đó là mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp.

2.4-vinasmecac-dien-gia.jpg
Các diễn giả tham dự Chương trình tập huấn "Xếp hạng tín nhiệm DNNVV - tăng cường khả năng tiếp cận vốn" . Ảnh: ST

Chia sẻ tại Chương trình tập huấn “Xếp hạng tín nhiệm DNNVV - tăng cường khả năng tiếp cận vốn” do VINASME tổ chức mới đây, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME - nhấn mạnh, đối với các ngân hàng thương mại, việc xếp hạng tín nhiệm là một trong những kênh thông tin quan trọng, minh bạch để làm căn cứ trong việc xét duyệt cho doanh nghiệp vay vốn. Do đó, việc tiếp cận đến các tiêu chí đánh giá và xếp hạng tín nhiệm do VINASME đưa ra sẽ giúp doanh nghiệp nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để hoàn thiện, cái tiến quy trình nhằm tăng năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đến các quỹ tín dụng.

Để hỗ trợ DNNVV tăng cường khả năng tiếp cận vốn, dự kiến quý III và quý IV/2024, VINASME sẽ triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 doanh nghiệp thành viên với 4 tiêu chí: Quản lý tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh; Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinGroup, hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu xem xét việc không dùng tài sản đảm bảo, thế chấp khi cho vay DNNVV mà dùng tín chấp. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề về xếp hạng tín nhiệm cho khách hàng.

Chủ tịch HĐQT FiinGroup cũng cho rằng, cần làm rõ 2 khái niệm xếp hạng tín nhiệm và chấm điểm tín nhiệm. Theo đó, quy định về xếp hạng tín nhiệm áp dụng theo khuôn khổ Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2020, Nghị định 88/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Từ 01/01/2024, tất cả doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu đại chúng hay riêng lẻ với quy mô lên đến 500 tỷ đồng và tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu đều phải xếp hạng tín nhiệm. Còn chấm điểm tín nhiệm thì Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại và cả các công ty độc lập đều làm được.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên sử dụng chấm điểm tín dụng đối với các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, bởi với số lượng nhân viên ít ỏi, các doanh nghiệp sẽ không có báo cáo tài chính được kiểm toán, chỉ có báo cáo tài chính thuế.

Theo ông Hiếu, chấm điểm tín dụng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những con số trên báo cáo thuế và đưa vào một số chỉ tiêu, dựa trên những chỉ tiêu đó có những điểm có thể từ 1-10, hay từ 1-6…. Bên cạnh những phương pháp về định lượng, tức là sử dụng những con số thì cũng phải có sự thẩm định mang tính định tính.

“Ví dụ như 1 doanh nghiệp có nhà quản lý lâu đời, có uy tín trên thị trường, không vi phạm luật lệ thì phải có tiêu chí trên định tính. Kết hợp cả phương pháp về định tính và định lượng sẽ có điểm tín dụng. Điểm tín dụng này sẽ là cơ sở để các ngân hàng và quỹ bảo lãnh tín dụng có thể thẩm định và hỗ trợ họ bằng bảo lãnh” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến./.

Việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV dựa vào Điều 8 (Hỗ trợ tiếp cận tín dụng) tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, Luật quy định hỗ trợ tính dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV. 

Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của DNNVV. Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho DNNVV đủ điều kiện được bảo lãnh.

Cùng chuyên mục
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn từ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp