Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 diễn ra chiều 01/4.
Theo đó, đóng góp vào kết quả này có xuất khẩu nông sản đạt 7,46 tỷ USD, tăng 31,1% (so với cùng kỳ năm ngoái); lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.
Đáng chú ý, đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái); rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 599 nghìn tấn, tăng 8,3%).
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng, trong đó gạo 661 USD/tấn, tăng 25% (so với cùng kỳ năm ngoái); cà phê 3.181 USD/tấn, tăng 43,5%, cao su 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%…
Riêng trong tháng 3, xuất khẩu nông sản đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông sản chính 2,75 tỷ USD (tăng 31,1%), lâm sản chính 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi 43,6 triệu USD (tăng 8,3%), đầu vào sản xuất 173 triệu USD (tăng 0,2%).
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu sang Châu Á 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); Châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%).
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Tốc độ tăng giá trị gia tăng nông lâm thủy sản quý I/2024 ước đạt 2,98% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó nông nghiệp tăng 2,81%; lâm nghiệp tăng 4,08%, thủy sản tăng 3,46%).
Về nhập khẩu, 3 tháng nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 10,18 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó nông sản 6,45 tỷ USD, tăng 9,9%; sản phẩm chăn nuôi 720 triệu USD, giảm 6,7%; thủy sản 636 triệu USD, giảm 3,9%; lâm sản 544 triệu USD, tăng 10,8%; đầu vào sản xuất 1,81 tỷ USD, tăng 13,5%; muối 7,8 triệu USD, giảm 33,5%.
Những kết quả này là rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn phải đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển, giao hàng; nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino trong năm 2024.
Trong nước các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam bộ, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long; nguy cơ cháy rừng tăng cao... Tất cả những vấn đề này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra, lãnh đạo Bộ yêu cầu các cơ quan chức thuộc Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo tính chủ động của nguồn nguyên liệu, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tính toán kỹ thời vụ các loại giống cây trồng để có kế hoạch chuyển đổi những diện tích không đủ nước cho việc gieo cấy lúa sang gieo trồng các cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản lượng cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng..., đề xuất chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.