Tăng cường làm việc trực tuyến để phòng ngừa dịch bệnh

(BKTO) - Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành từ xa qua phần mềm, triển khai hình thức họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ để làm việc trực tuyến tại nhà... là những yêu cầu của Tổng Kiểm toán Nhà nước nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công tác trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp.




KTNN tăng cường hình thức họp trực tuyến trong toàn Ngành. Ảnh: Phố Hiến

Đảm bảo công việc thông suốt trên môi trường số

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, lãnh đạo KTNN thường xuyên chỉ đạo các bộ phận liên quan theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh để đề ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều Công điện về việc tăng cường thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Coi trọng sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là trên hết, song để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành; bố trí cho công chức, viên chức và người lao động sử dụng CNTT làm việc trực tuyến.

Cùng với đó, nhiều sự kiện tập trung đông người của Ngành được tạm dừng, hoặc thay thế bằng hình thức trực tuyến. Hệ thống họp trực tuyến của KTNN được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay với 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN T.Ư, hoạt động hiệu quả phục vụ cho các hội nghị giao ban, các buổi học tập, trao đổi chuyên môn... của Ngành.

Theo lãnh đạo Văn phòng KTNN, trong những ngày qua, hình thức họp trực tuyến càng được tăng cường, thay thế cho các cuộc họp tập trung. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ngành cũng đang được thực hiện trên nền tảng số, thay vì phổ biến trên giấy tờ như quy trình trước đây.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học (KTNN) - cho biết, đến nay, việc xử lý, luân chuyển văn bản, hồ sơ tài liệu điện tử của Ngành được thực hiện hoàn toàn trên Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; công tác quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý tài chính cũng được thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng cho phép quản lý tập trung, hỗ trợ kịp thời các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định quản lý, chỉ đạo điều hành. Việc xử lý văn bản điện tử của KTNN đang được thực hiện theo một quy trình đầy đủ, khép kín trên môi trường mạng, đảm bảo các nguyên tắc an toàn, bảo mật của hệ thống.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thời gian qua, KTNN đã nỗ lực đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm trực tuyến hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành, làm việc, thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, KTNN đã chuẩn bị các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó cũng như hỗ trợ thật tốt cho các đơn vị trực thuộc trong việc ứng dụng CNTT và triển khai các hoạt động trực tuyến phục vụ yêu cầu công việc.

Mới đây, KTNN vừa đưa Phần mềm Hỗ trợ làm việc trực tuyến (Microsoft Teams) vào hoạt động trên quy mô toàn Ngành. Đây là nỗ lực kịp thời nhằm thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo công việc được thực hiện thông suốt, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra, đồng thời hạn chế tập trung đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Phần mềm Microsoft Teams hỗ trợ tổ chức các cuộc họp nhóm, trao đổi, làm việc trực tuyến giữa 2 người hoặc nhóm người thông qua máy tính, thiết bị di động. Kết quả thử nghiệm cho thấy, Phần mềm hoạt động tốt và lãnh đạo KTNN yêu cầu các đơn vị tổ chức ứng dụng ngay, đảm bảo yêu cầu triển khai nhiệm vụ của Ngành. Trung tâm Tin học đảm bảo các điều kiện cần thiết để việc sử dụng các phần mềm được duy trì thường xuyên, liên tục, an toàn, ổn định và được hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Có thể nói, không chỉ trong thời điểm có dịch Covid-19, việc ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền tảng điện tử đã được KTNN triển khai từ nhiều năm nay. Theo đó, từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo KTNN, hạ tầng CNTT đã và đang được xây dựng, phát triển bài bản, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Đáng chú ý, để bảo đảm các phần mềm trong toàn hệ thống có thể tương tác, chia sẻ, trao đổi dữ liệu với nhau trong nội bộ KTNN và với các hệ thống bên ngoài một cách dễ dàng, đồng thời tăng cường bảo mật và an toàn thông tin, Trung tâm Tin học đã triển khai tích hợp 9 phần mềm hiện có (4 phần mềm hỗ trợ quản lý chỉ đạo điều hành và 5 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán) với hệ thống xác thực, quản lý người dùng tập trung và trục tích hợp dữ liệu. Theo đó, mỗi người dùng trong hệ thống chỉ cần có 1 tài khoản duy nhất để sử dụng các phần mềm theo phân cấp. Đồng thời, thông qua trục tích hợp, dữ liệu trong toàn bộ hệ thống phần mềm được liên thông, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi, xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Nguyễn Văn Quang cho biết, đến nay, các đơn vị trực thuộc đã cơ bản xử lý công việc trên môi trường mạng. Việc “phi giấy tờ” đang từng bước được thực hiện giúp cải thiện hiệu quả giải quyết công việc, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc ở từng khâu.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đảm bảo hoạt động an toàn cho hệ thống dữ liệu, KTNN sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng phần mềm quản lý chứng thư số và thiết bị CNTT, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện nhiều ứng dụng hiện hành. Mục tiêu hướng tới là hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong KTNN, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; ứng dụng các giải pháp văn phòng điện tử; số hóa, xây dựng hạ tầng dữ liệu, hình thành dữ liệu lớn của KTNN.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng cường làm việc trực tuyến để phòng ngừa dịch bệnh