Tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

(BKTO) – Trong chuỗi liên kết sản xuất với sự tham gia của hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân, hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến được hình thành theo chuỗi khép kín, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng từ đó gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

995_img_5246.jpg
HTX đóng vai trò trung gian, kết nối doanh nghiệp với người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh TL

Với ý nghĩa đó, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ đang là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy tái cơ cấu, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Còn nhiều thách thức…

Là một trong những địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tỉnh Kiên Giang ngày càng chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể HTX. Trong đó, số lượng HTX trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là gần 500 HTX, chiếm 87% so với tổng số HTX trên địa bàn. Quan hệ hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín...

Còn tại Sơn La, trong năm 2023, tỉnh đã mở rộng mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đối với 145 cơ sở trên địa bàn tỉnh; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh;…

15_20231215142541.jpg
Sự tham gia của HTX và doanh nghiệp giúp nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

“Sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, HTX theo ngành, chuỗi giá trị đã giúp phát huy lợi thế nông nghiệp của vùng, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng và mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ dân, doanh nghiệp” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Như Huệ cho biết.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp theo mô hình liên kết mà người sản xuất có thể tiếp cận giống tốt, được hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật chăm sóc, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngược lại, doanh nghiệp có thể chủ động nguồn nguyên liệu rộng lớn thông qua các HTX và đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm ngay từ sớm...

Khẳng định vai trò quan trọng của mối quan hệ liên kết 3 bên (HTX, doanh nghiệp, người dân) song theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, kết quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay chưa được như kỳ vọng. Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong khi chuỗi liên kết lĩnh vực chăn nuôi khá chặt chẽ với quy mô lớn, thì lĩnh vực trồng trọt nhất là ngành lúa gạo, việc liên kết đang gặp nhiều khó khăn...

dsc_0348.jpg
Cần có giải pháp thu hút người dân tham gia vào HTX, cùng hợp tác sản xuất. Ảnh: N.Lộc

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh là do tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động của một số HTX; một số nơi có tình trạng “cố ép” lập HTX. “Điển hình như việc lập HTX chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn xã nông thôn mới mà không phải từ sự mong muốn của người dân, dẫn đến HTX hoạt động kém hiệu quả” - ông Thịnh cho biết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa có ý thức tham gia vào chuỗi liên kết, chưa thực sự quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với nông dân và HTX như đã ký kết. Một số doanh nghiệp liên kết, tham gia đầu tư cùng HTX, nông dân nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, hiệu quả còn thấp, chủ yếu dưới hình thức cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua sản phẩm…

Tạo động lực, thúc đẩy quan hệ liên kết, hợp tác phát triển

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng đến hình thành các HTX điểm ở mỗi địa phương về tổ chức sản xuất và liên kết với DN để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. 

Để mối quan hệ liên kết ngày càng chặt chẽ, phát triển, một số chuyên gia cho rằng, cần rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa HTX với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách, kết nối HTX với sàn giao dịch thương mại điện tử…

        Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Sự hợp tác này đã khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững; doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh

Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần thiết sửa đổi chính sách thuế, phí và lệ phí để khuyến khích các hộ tham gia HTX và giúp cho HTX và thành viên có nguồn lực tài chính phát triển sản xuất, kinh doanh; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho HTX; đảm bảo thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng...

dsc_0907.jpg
Người dân là một trong những đối tượng thụ hưởng từ mối quan hệ liên kết, khi sản xuất được đầu tư, hiện đại hóa. Ảnh: N.Lộc

Trong thẩm quyền, các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Khẳng định việc thúc đẩy hợp tác giữa HTX với người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia HTX, quy định mới của Luật HTX, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về liên kết sản xuất, tập trung hỗ trợ HTX phát triển...

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, một số chính sách hỗ trợ để thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm được tỉnh triển khai thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả như: Chính sách tiếp cận vốn, chính sách xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thành lập mới HTX; chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng chế biến sản phẩm... “Đến năm 2025, tỉnh đang phấn đấu số HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt đạt tỷ lệ từ 90% trở lên” - ông Toàn cho biết.

Đặc biệt, Luật HTX có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các HTX phát triển. Trong đó, Luật đã thể chế hóa đầy đủ các nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó có chính sách đất đai; chính sách thuế và lệ phí; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm… Các ý kiến cho rằng, khi các chính sách này được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn và đi vào cuộc sống sẽ giúp nâng cao cơ hội liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân, từ đó đưa quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển, hiệu quả. 

Cùng chuyên mục
Tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp