Tăng cường mở rộng, gắn với liên kết hợp tác xã theo chuỗi giá trị

(BKTO) - Không chỉ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, việc phát triển các hợp tác xã (HTX) còn mang lại thu nhập đáng kể, bền vững đối với nông dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục mở rộng hệ thống HTX, đi đôi với việc đổi mới, tăng cường liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX...

sinh-vat-canh-2(1).jpg
Mô hình HTX ngày càng thu hút người dân tham gia và giúp cải thiện sinh kế cho người dân một cách bền vững. Ảnh: N.Lộc

Tạo nguồn sinh kế bền vững...

Nhằm khai thác thế mạnh của vùng đất chè, năm 2016, bà Vũ Thị Thương Huyền (hiện là Giám đốc HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã vận động người dân thành lập HTX Chè Thịnh An.

Năm 2017, HTX được hỗ trợ thực hiện mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Từ đó, 50 ha chè của bà con trong HTX được chuyển sang trồng chè an toàn theo chuẩn VietGAP. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm chè của HTX hiện đã có mặt tại nhiều thị trường châu Âu.

Từ chỗ chỉ có 7 thành viên sáng lập, đến nay, HTX đã có 150 hộ thành viên; doanh thu của HTX đạt vài tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm mô hình HTX đang mang lại thay đổi lớn cho cách làm và đời sống của người nông dân. Thực tiễn ngày càng cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX với những thế mạnh nổi bật, là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các HTX, liên hiệp HTX ngày càng phát triển, gắn với nhiều lĩnh vực và đóng vai trò quan trọng trong việc với cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, cả nước có 30.425 HTX, hơn 130 liên hiệp HTX và gần 100 nghìn tổ hợp tác. Các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, chú trọng đến phát triển thị trường, cũng như chăm lo đời sống cho hội viên.

Theo bà Chu Thị Vinh - Phó Chánh Văn phòng (Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khu vực HTX tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là cho người yếu thế chưa qua đào tạo. Với doanh thu bình quân đạt 3,5 tỷ đồng/HTX trong năm 2022, tăng 35% so với năm trước, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đã thu hút được đông đảo lao động tham gia, với 976.300 người có việc làm thường xuyên.

“Nhiều mô hình HTX nông nghiệp có vai trò quyết định và đóng góp lớn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đời sống, thu nhập của hội viên, trong đó có nông dân ngày càng được cải thiện và ổn định” - bà Vinh cho biết.

… gắn với đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Cùng với việc phát triển, mở rộng số lượng HTX, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của HTX là vấn đề quan trọng được đặt ra. Trong đó, việc hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được xác định là xu thế tất yếu để hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX trong tình hình mới.

1021-17-4-1.jpg
Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh, các HTX cũng chú trọng đến việc liên kết chuỗi giá trị. Ảnh: TTXVN

Thống kê của Liên minh HTX cho thấy, hiện có khoảng 3.000 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giúp giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh, chuỗi giá trị nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức phát triển nền nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường; quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã, thương hiệu của nông sản...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đồng nghĩa phải thay đổi tư duy và tập quán canh tác nhỏ lẻ. Do đó, các địa phương, các tổ chức hội nghề nghiệp cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để người dân tích cực tham gia sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực để tạo thế mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng cao.

Qua thực tiễn triển khai, Giám đốc HTX Chè Thịnh An Vũ Thị Thương Huyền mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo thuận lợi hành lang pháp lý để tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp thực hiện chính sách và tạo thuận lợi cho các liên kết được chặt chẽ; đánh giá hoạt động liên kết để có những kiến nghị hay biện pháp thích hợp tăng cường hiệu quả liên kết...

Về phía các HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, các HTX phải tăng cường năng lực quản trị HTX; nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên. Xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.

121-16-59-25.jpg
Một buổi trao đổi thông tin cho thành viên HTX về liên kết sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp tổ chức. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, các HTX cần đẩy mạnh tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của HTX; khuyến khích liên kết kinh tế giữa HTX hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; tăng cường liên kết giữa HTX với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp.

 Đến năm 2030, cả nước có khoảng 45.000 HTX với 8 triệu thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Cùng chuyên mục
  • Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm được hưởng đầy đủ quyền lợi
    10 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Nhiều năm liên tục đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), để phấn đấu tiếp tục giữ vững thành tích này, đảm bảo HSSV tham gia BHYT được hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong năm học mới 2023 - 2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp.
  • Thành phố Hồ Chí Minh tổng kiểm tra các chung cư mini, nhà trọ
    10 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 4452 về triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn.
  • Gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
    10 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất bổ sung thêm nhiều quyền lợi để mở rộng diện bao phủ và khuyến khích người lao động tham gia lâu dài. Bên cạnh đó, để thúc đẩy người lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn, có các chế độ trợ cấp cho trẻ em.
  • Quảng Ngãi: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
    10 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Qua gần 3 năm thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
  • Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển người quản lý doanh nghiệp nhà nước
    10 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Nghị định số 69/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên.
Tăng cường mở rộng, gắn với liên kết hợp tác xã theo chuỗi giá trị