Quảng Ngãi: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(BKTO) - Qua gần 3 năm thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

binh-dang-gioi.jpg
Dự án 8 góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TS

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện. Tại Quảng Ngãi, Dự án được triển khai tại 40 thôn đặc biệt khó khăn của 6 huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành.

Từ khi triển khai thực hiện Dự án đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập 40 tổ truyền thông cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông; hướng dẫn xây dựng, củng cố 6 địa chỉ tin cậy cộng đồng, với 79 thành viên là Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, các chi hội trưởng tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 169 thành viên.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã phối hợp triển khai tổ chức tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng…

Qua quá trình triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp được trang bị kiến thức, kỹ năng làm công tác vận động quần chúng; giúp thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với xây dựng người phụ nữ Quảng Ngãi nghĩa tình, đoàn kết, có tri thức, năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác cao, thân thiện, có ý thức bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ Dự án 8 và lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nhấn mạnh, Quảng Ngãi luôn xem các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 và thực hiện bình đẳng giới đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo huy động và phân phối nguồn lực công đcó hiệu quả, theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Quảng Ngãi; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Mục tiêu của hoạt động kiểm toán nhằm xác định tính trung thực, đúng đắn của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022, đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong quản lý tài chính công, tài sản công. Qua đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan và phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi