PGS, TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.
Theo ThS. Huỳnh Hữu Thọ, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Xuất phát từ quy định này, để thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác, KTNN luôn phải phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương…
Hiện nay, với các Ủy ban của Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KTNN đã xây dựng mối quan hệ phối hợp và cùng thống nhất ký các quy chế phối hợp, qua đó KTNN đáp ứng kịp thời về những thông tin, kết quả kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách phục vụ Ủy ban Tài chính - Ngân sách; kết quả kiểm toán tại các tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho Ủy ban Kinh tế; các nội dung đánh giá, kết luận, kiến nghị về các vấn đề giáo dục, y tế… phục vụ cho Ủy ban Xã hội; đánh giá, kết luận về việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương phục vụ cho HĐND các cấp…
Ngược lại, các cơ quan cũng đã tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, cụ thể như: tạo điều kiện thuận lợi cho các Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại các địa phương; cung cấp thông tin liên quan về thực hiện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp trong việc công bố công khai kế hoạch kiểm toán và kết quả kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong việc xây dựng pháp luật…
Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi mặt của nền kinh tế - xã hội đều thay đổi và phát triển nhanh chóng, KTNN cũng phải thường xuyên điều chỉnh quy mô, nâng cao chất lượng và đa dạng của hoạt động kiểm toán… dẫn đến các nội dung, quy định, chất lượng của công tác phối hợp chưa theo kịp thực tiễn và chưa thực sự mang lại hiệu quả cao cho các bên.
Theo đó, mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và HĐND các tỉnh mới chủ yếu thông qua KTNN các khu vực, Đoàn kiểm toán với Thường trực HĐND và thường chỉ xuất hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch của cuộc kiểm toán. KTNN và HĐND các tỉnh chưa tạo ra được mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên, thiếu chủ động từ cả hai phía trong việc.
Các địa phương cũng chưa gắn kết chặt chẽ với KTNN để khai thác, sử dụng đầy đủ các thông tin trong báo cáo kiểm toán; đưa ra yêu cầu cho KTNN để phục vụ chức năng quản lý điều hành và giám sát… Hiện nay, HĐND cấp tỉnh chủ yếu tham gia quá trình kiểm toán với tư cách là đơn vị được kiểm toán hơn là với tư cách cơ quan quản lý giám sát ngân sách ở địa phương.
Đại diện Ban đề tài nhấn mạnh, việc tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với các cơ quan dân cử là rất cần thiết, dựa trên những định hướng lâu dài, phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và đặc biệt phải cụ thể hóa trong quy định pháp luật, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của mỗi bên.
Đề tài kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về sự phối hợp và tổng quan quan hệ phối hợp của KTNN với cơ quan dân cử; Chương 2 - Thực trạng của quá trình phối hợp giữa KTNN và các cơ quan dân cử; Chương 3: Giải pháp hoàn thiện mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và các cơ quan dân cử.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Giải pháp hoàn thiện mối quan hệ phối hợp với các cơ quan dân cử trong hoạt động kiểm toán của KTNN” là cần thiết, đóng góp quan trọng vào hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn đối với việc phối hợp giữa KTNN và các cơ quan dân cử; góp phần bảo đảm chất lượng hoạt động của mỗi cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Các vấn đề được đề cập trong đề tài phong phú, đa dạng, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển lý thuyết, lý luận về sự phối hợp giữa KTNN và các cơ quan dân cử. Đề tài có giá trị ứng dụng, giá trị thực tiễn đóng góp cho việc thay đổi cách nhìn về sự cần thiết, vai trò của công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan dân cử và ngược lại. Bên cạnh đó, các kiến nghị, giải pháp Đề tài nêu ra khả thi, nhất là việc xây dựng, ký quy chế phối hợp và việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan dân cử.
Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị nhóm tác giả đánh giá sâu những bất cập, hạn chế của công tác phối hợp do các quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; bổ sung các giải pháp, kiến nghị liên quan đến hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp; nghiên cứu thêm về công tác phối hợp với các Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các địa phương; thể chế hóa là quá trình đưa các cơ chế phối hợp giữa KTNN và các cơ quan dân cử thành những quy định pháp lý rõ ràng, có tính ràng buộc cao để đảm bảo tính liên tục, ổn định và hiệu quả lâu dài.
PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài đã đánh giá thực trạng mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và cơ quan dân cử cả về quy chế, nội dung và thời gian. Từ đó, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, đề xuất 3 nhóm giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả phối hợp của KTNN với các cơ quan dân cử.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó lưu ý các giải pháp cụ thể, trực diện để tăng cường mối quan hệ giữa KTNN và các cơ quan dân cử, có giải pháp về cung cấp thông tin, kết quả kiểm toán, sử dụng kết quả kiểm toán và nhận xét, đánh giá về chất lượng, tính hữu ích của kết quả, báo cáo kiểm toán của KTNN.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.