Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo KTNN, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh các Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trực thuộc các địa phương…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách.
Đồng thời, “Sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Thành phố Hải Phòng cho các hoạt động của KTNN khu vực VI đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội giao” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ khẳng định.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố (Quy chế) còn một số hạn chế nhất định cần được hoàn thiện. Vì vậy, Hội nghị Sơ kết Quy chế được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế, vướng mắc; đồng thời thống nhất phương hướng, giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới.
Trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, sau khi ký kết, KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trên cơ sở tuân theo pháp luật và quy định của các bên.
Công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thể hiện trên các mặt: xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước; phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử cũng như trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND.
“KTNN đã chú trọng thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương kịp thời, là căn cứ để HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương” - ông Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh; đồng thời cho biết kết quả đạt được của hoạt động phối hợp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên.
Thời gian qua, các địa phương phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid-19; lạm phát tăng lên mức cao... Trong khoảng thời gian khó khăn đó, KTNN đã đồng hành cùng các địa phương, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phục hồi sau đại dịch thông qua việc cắt giảm đầu mối, thời gian và quy mô cuộc kiểm toán. Đặc biệt, nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng như hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng 67 đoàn kiểm toán) so với năm 2022. Năm 2024, KTNN tiếp tục hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng”, gắn với việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, kế hoạch kiểm toán đã được ban hành với 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tập trung kiểm toán chuyên đề...
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Hàng năm, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn giúp các tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Tại Hội nghị, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định những kết quả đã đạt được trong thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên thời gian qua cũng như định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.
Trong những năm qua, trên cơ sở Quy chế phối hợp, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện rất nghiêm túc. Ngoài khối lượng công việc được xác định hằng năm trong kế hoạch kiểm toán của KTNN, chúng tôi đã đề xuất KTNN khu vực VI, KTNN chuyên ngành giúp Quảng Ninh kiểm toán rất nhiều chuyên đề. Trong đó, chuyên đề trọng điểm đầu tiên là kiểm toán về tài nguyên khoáng sản. Đây là một trong những nguồn tài sản công mà nếu không được kiểm toán, kiểm soát tốt thì rất khó đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và tránh những rủi ro. Thứ hai là kiểm toán các công trình giao thông trọng điểm. Thứ ba là lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với di sản kỳ quan Vịnh Hạ Long. Vì vậy, số cuộc kiểm toán được KTNN thực hiện trên địa bàn rất lớn.
Chúng tôi rất cảm ơn KTNN đã giúp cho Quảng Ninh có những thông tin tin cậy, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác quản lý của địa phương, góp phần rất quan trọng vào kiểm soát quyền lực cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, những kết quả nổi bật mà KTNN đạt được trong suốt những năm qua luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của HĐND, UBND các địa phương, trong đó có 05 tỉnh, thành phố mà KTNN tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp công tác lần này.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội nghị là dịp để KTNN và 05 địa phương nhìn lại quá trình triển khai Quy chế đã ký trong những năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác tốt hơn trong thời gian tới. Vì vậy, nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với KTNN khu vực VI, đồng thời đề nghị 05 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trong đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương cùng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, chủ động đề xuất nội dung kiểm toán gắn với đặc thù của địa phương; thông qua đó giúp tinh gọn đầu mối kiểm toán mà vẫn đem lại hiệu quả.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai kiểm toán, đặc biệt là trong quá trình trao đổi cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên.
Đặc biệt, các địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với KTNN, trực tiếp là KTNN khu vực để trao đổi cùng đôn đốc thực hiện. KTNN cũng sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn đối với các địa phương, đơn vị trong thực hiện vấn đề này cho thuận lợi.
Công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND thành phố được thực hiện trên các mặt công tác theo Quy chế đã đề ra. Đến nay, KTNN đã thực hiện gần 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có những nội dung kiểm toán do Thành phố chủ động mời KTNN vào cuộc. Đặc biệt, địa phương luôn chú trọng đến công tác thực hiện kiến nghị kiểm toán. Minh chứng là tỷ lệ thực hiện kiến nghị hiện nay đạt cao, năm 2021 đạt trên 91%.
Kết quả, kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp Thành phố nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, tài sản công, giúp địa phương khắc phục, đồng thời thực hiện sửa đổi các quy định cho phù hợp, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng phối hợp trong việc tạo điều kiện cho KTNN khu vực VI tham gia vào công tác xây dựng, lập dự toán, quyết toán ngân sách để phục vụ cho công tác kiểm toán được tiếp cận thông tin từ sớm; giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp xử lý tin tố giác tham nhũng, tiêu cực; đào tạo kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ dân cử…
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới.
Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng gồm 03 Chương, 10 Điều, quy định sự phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và trong tổ chức các hoạt động giám sát, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước.
Nhân Hội nghị này, KTNN cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN” cho các đồng chí là lãnh đạo tỉnh, thành phố và lãnh đạo sở, ban ngành đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN. Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã có buổi tiếp Đoàn công tác của KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm Trưởng đoàn.