Tăng cường thanh tra, kiểm toán lĩnh vực quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng

(BKTO) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”...

cuong.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác PCTN năm 2023. Ảnh: VPQH

Phát hiện nhiều sai phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán

Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2023, công tác đấu tranh, PCTN tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực được tăng cường.

Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục được quan tâm. Năm 2023, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước số lượng lớn tiền và quyền sử dụng đất; xử lý, kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra...

“Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ủy ban Tư pháp dẫn báo cáo của Chính phủ ngày 28/8/2023, tội phạm tham nhũng, kinh tế nổi lên là tham nhũng trong hoạt động kiểm định, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước; vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng...

Cùng với đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN - cơ quan thẩm tra nêu rõ và cho rằng điều này đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN.

Khắc phục tồn tại từ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, năm 2023, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến và Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

tc13.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Cụ thể như, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm.

Việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ, ban hành quy tắc ứng xử trong nhiều trường hợp còn chậm; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa ban hành quy tắc ứng xử để thực hiện. Tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc bố trí, bổ nhiệm trái quy định người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn xảy ra.

Cùng với đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm ban hành văn bản quy định chi tiết theo quy định.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

Từ đánh giá trên, Ủy ban Tư pháp kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần đánh giá rõ hơn hiệu quả của công tác PCTN sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; làm rõ và có giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, cầm chừng, đùn đẩy, né tránh công việc, xử lý công việc chậm, gây ách tắc hoạt động của kinh tế - xã hội và gây khó khăn cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục rà soát những sơ hở, bất cập của pháp luật để sửa đổi, bổ sung và thực hiện việc xây dựng pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…/.

Cùng chuyên mục
Tăng cường thanh tra, kiểm toán lĩnh vực quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng