(BKTO) - Chống lãng phí luôn là quyết tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường xuyên xác định, thực hiện trên thực tế.

2(2).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Xưởng may 10 (nay là Tổng công ty May 10) ngày 08/01/1959. Ảnh: ST

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu rõ những hậu quả của lãng phí. Theo Người: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”. Người đánh giá: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác” và “hoang phí, xa xỉ là: Trái với tư cách của những người yêu nước, những người cán bộ. Trái với lòng dân, trái với đạo đức cách mạng. Trái với cả oai tín và thể diện của các bạn. Các bạn phải mau mau sửa đổi cho xứng đáng là người yêu nước, là người cán bộ”.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải tẩy sạch lãng phí “để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Nói chung lãng phí ở các ngành còn khá nhiều, nếu ta ngăn được lãng phí thì có thể cải thiện được cho cán bộ, bộ đội và công nhân”.

Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến việc chống lãng phí. Sau Lễ tuyên ngôn độc lập ngày 02/9, ngày 03/9/1945, Hồ Chủ tịch đã họp Chính phủ, xác định những việc cấp bách cần làm ngay của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, trong đó, Người đề nghị: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”. Đến ngày 05/11/1945, trong bài “Toàn dân kháng chiến” đăng trên Báo Cứu quốc số 83, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng ta còn phải cần kiệm bỏ hết mọi xa xỉ để lấy tiền cống hiến cho quỹ kháng chiến”.

Hồ Chủ tịch cũng chỉ ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, thiết thực để chống lãng phí được hiệu quả. Trong đó, Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng để chống lãng phí có hiệu quả. Người chỉ ra cần: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống dưới và từ dưới lên”, từ đó tạo ra dư luận “Trên đe dưới búa của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”.

Một trong những giải pháp hữu hiệu mà Hồ Chí Minh xác định là trong chống lãng phí phải thực hiện tiết kiệm và Người cho rằng: “Ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm”. Nói chuyện tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua công nghiệp toàn quốc năm 1956, Người nói: “… Thi đua sản xuất tốt chưa đủ, tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm… Phải tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu và tiền bạc”.

Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chống lãng phí là luôn phải huy động được sức mạnh của cả cộng đồng chung sức đồng lòng cùng nhau chống lãng phí. Người nêu rõ: “Muốn ngăn được lãng phí, không phải chỉ có Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ra lệnh, mà phải giáo dục cán bộ, công nhân, nhân dân, phải tổ chức cho khéo và để mọi người tự giác chấp hành cho chu đáo”. Ngày 17/3/1952, tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Hồ Chủ tịch chỉ ra: “Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả; Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí. Cho nên Chính phủ, Đoàn thể đề ra việc chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương tiến hành công việc này”.

Những tư tưởng, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu thực hành chống lãng phí, như: Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng, phí yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó tại Điều 16 xác định rõ đảng viên không được: “Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định”. Đặc biệt, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời, phù hợp đã và đang được thực hiện nghiêm túc.

Với nỗ lực thực hiện của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chống lãng phí ở Việt Nam đã có những kết quả tốt, đem lại hiệu quả thiết thực cho đất nước, nhân dân. Tuy vậy, lãng phí vẫn tiếp tục còn là vấn nạn với nhiều hậu quả khôn lường, như đánh giá của cơ quan có thẩm quyền: trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng. Ví dụ, theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, thì đã phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị hơn 894 tỷ đồng được kiến nghị thu hồi và bồi thường; đặc biệt còn đến 650.624.498 m2 bị sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật...

Trên cơ sở Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tại Kỳ họp thư tư Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 thực hiện Nghị quyết trên của Quốc hội.

Tình hình thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác chống lãng phí. Trong đó, cần gắn chặt đấu tranh chống lãng phí với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được tiến hành hiệu quả ở nước ta. Cùng với những chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ, khả thi của Đảng, Nhà nước thì rất cần sự tự giác, nghiêm túc thực hiện chống lãng phí của từng cán bộ, đảng viên và người dân./.

Cùng chuyên mục
Muốn ngăn được lãng phí?