Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính

(BKTO) - Thành phố Hà Nội đã cắt giảm, tái cấu trúc tinh gọn nhiều thủ tục hành chính; nhiều nội dung công việc đã được phân cấp, ủy quyền đến các cấp, các ngành xử lý trực tiếp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.

2gr.jpg
HĐND Thành phố dành thời gian một ngày (03/7) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND Thành phố khóa XVI. Ảnh: hanoi.gov.vn

Kịp thời đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp

Chiều 03/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã tiếp thu, giải trình ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND Thành phố tại Kỳ họp thứ XVII về nhóm lĩnh vực về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, UBND Thành phố tiếp tục chú trọng đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sâu sát, quyết liệt trong hành động. Thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành ủy, UBND Thành phố đã trình HĐND phê duyệt và thông qua đề án phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước với quan điểm cấp nào gần người dân, doanh nghiệp nhất, thực hiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thì giao cho cấp đó thực hiện.

Thành phố đã cắt giảm, tái cấu trúc tinh gọn nhiều thủ tục hành chính; nhiều nội dung công việc đã được phân cấp, ủy quyền đến các cấp, các ngành xử lý trực tiếp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tầng nấc trung gian, kịp thời đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn (như công tác xác định giá đất; quản lý tài sản công; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, công thương, lao động, giải quyết việc làm, quản lý đô thị...).

UBND Thành phố chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố đã trình Thành ủy ba lần sửa đổi quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; UBND Thành phố hai lần quyết định sửa đổi quy chế làm việc và Chủ tịch UBND Thành phố năm lần điều chỉnh phân công công tác lãnh đạo UBND Thành phố.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thành phố luôn xác định chủ đề công tác đó là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo chỉ đạo và gần đây nhất là Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội” .Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Đồng thời, ban hành Chương trình hành động, Chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ theo nguyên tắc rõ nhiệm vụ, rõ đơn vị chủ trì, rõ lãnh đạo UBND Thành phố chỉ đạo và rõ sản phẩm, kết quả đầu ra, rõ thời gian hoàn thành. Chương trình công tác được định kỳ rà soát, đôn đốc theo tháng, quý để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm thực hiện tốt nhất các nội dung theo kế hoạch đề ra.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính (đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tăng cường họp trực tuyến; sử dụng tài khoản, chữ ký số và văn phòng điện tử để giải quyết công việc…).

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, UBND Thành phố đã ban hành 4 kế hoạch, 3 chỉ thị và 9 văn bản chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc, 44 văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở và gần 1.200 văn bản đôn đốc. UBND Thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Qua thống kê, Tổ công tác đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc thường xuyên, tổ chức họp, giao ban trực tiếp và trực tuyến đôn đốc, kiểm đếm công việc (với gần 50 văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở và trên 1.100 văn bản đôn đốc công việc); qua đó góp phần giảm số lượng các nhiệm vụ quá hạn (giảm 12%) so với trước khi thành lập Tổ công tác.

Thành phố cũng đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra công vụ trên địa bàn với các chuyên đề về kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, tiếp công dân, kiểm tra công vụ nội bộ,…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương hành chính của Thành phố trong thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đều có chuyển biến tích cực… Nhiều việc lớn như công tác tổ chức bộ máy, biên chế, đào tạo cán bộ, đề án phân cấp, ủy quyền, xây dựng 2 quy hoạch, Luật Thủ đô, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… đã được triển khai và hoàn thành với tiến độ và chất lượng tốt. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh/thành phố…

Quyết tâm xây dựng nền hành chính, quản trị hiện đại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn một số hạn chế: Cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư, quản lý tài sản công… còn nhiều khâu chậm được khắc phục; một số chỉ số giảm bậc; định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá còn chậm ban hành so với kế hoạch yêu cầu.

Có những việc tồn tại, kéo dài qua nhiều thời kỳ chính sách khác nhau do khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhưng chậm giải quyết; cá biệt có một số việc chậm muộn kéo dài, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và Thành phố đã phải thực hiện kiểm tra công vụ và xử lý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin.

Công tác phối hợp, đặc biệt là phối hợp liên ngành, giữa các ngành với các quận, huyện vẫn còn là khâu yếu. Một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, năng lực, kỹ năng, tinh thần thái độ phục vụ hạn chế.

UBND Thành phố xác định 3 nguyên tắc xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành: Bám sát, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị hiện đại, khắc phục hạn chế đã được chỉ ra…

Trong đó, tập trung phân công, xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy chế (đặc biệt là quy chế phối hợp liên thông); xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức... Đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động, đổi mới sáng tạo của thành viên UBND Thành phố, người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU, UBND Thành phố sẽ xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “3 rõ, 1 xuyên suốt”. Tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nâng cao số dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), thiết lập kênh tương tác theo thời gian thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền để mọi kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời và xử lý nhanh nhất, thuận tiện, hiệu quả nhất cho người dân, doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, UBND Thành phố sẽ sớm báo cáo Thành ủy, HĐND Thành phố để tổ chức triển khai Luật Thủ đô, các quy hoạch của Thủ đô kịp thời, sớm nhất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” và mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh như Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị”./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính