Luật Thủ đô (sửa đổi): Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo từ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

(BKTO) - Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua cho phép TP. Hà Nội thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn. Đây là cơ chế thuận lợi nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

khcn.jpg
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ góp phần khuyến khích hoạt động đổi mối sáng tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: ST

Miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm

Điều 25 Luật Thủ đô (sửa đổi) về thử nghiệm có kiểm soát nêu rõ: Thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.

Việc cho phép thử nghiệm kiểm soát nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Luật cũng nêu rõ, thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Luật cũng quy định UBND TP Hà Nội cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn; đồng thời miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp trong phạm vi giới hạn được xác định phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát của UBND TP.

Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), điều kiện cấp phép thử nghiệm có kiểm soát bao gồm: công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố;

Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thành phố; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và lợi ích xã hội.

Tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm có phương án thử nghiệm, trong đó có đánh giá về các lợi ích và rủi ro đối với bên tham gia thử nghiệm, người dùng, các bên liên quan khác, đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính cạnh tranh của thị trường; cam kết trách nhiệm về sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hại; đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất.

Phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ

Trước đó, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

202405281518432227_z5484373412886_d416f2ce08bd181f37f83c3221e0ef79.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa phát biểu góp ý hoàn thiện quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP. Hà Nội), việc luật hóa và bổ sung làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 của Dự thảo Luật là một nội dung rất mới, đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật, điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Theo đó, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, đề nghị xem xét chưa cho thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay lĩnh vực biến đổi, chỉnh sửa gen người. Trường hợp vẫn cho phép các lĩnh vực này được thử nghiệm thì cần bổ sung quy định lấy ý kiến của bộ quản lý trước khi cấp phép.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ cũng như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm như thế nào, hậu quả pháp lý ra sao khi kết thúc cơ chế thực nghiệm. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người.

Đồng thời, đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm (khoản 5 Điều 25).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (điểm d khoản 4, điểm h khoản 7 Điều 25);

Dự thảo Luật cũng bổ sung, chỉnh lý quy định về điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm và làm rõ chế độ báo cáo của UBND Thành phố, của cơ quan hướng dẫn quá trình thử nghiệm (điểm b và điểm e khoản 6, điểm e và điểm g khoản 7 Điều 25); bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm để hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức (khoản 10 Điều 25)./.

Cùng chuyên mục
Luật Thủ đô (sửa đổi): Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo từ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát