HTX vẫn... "khát" vốn
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 29.021 HTX, trong đó có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%; 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%. Các HTX thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn để phát triển hoạt động của các HTX ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, phát triển hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đối với HTX là một phần rất quan trọng trong các giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở nước ta hiện nay.
Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.316 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX, Liên hiệp HTX còn dư nợ; dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.167 tỷ đồng.
- Liên minh HTX Việt Nam -
Thực tế thời gian qua, hoạt động hỗ trợ vốn cho HTX đã góp phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển HTX, từng bước khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu cầp thiết về vốn của các HTX trong bối cảnh hầu hết các HTX quy mô nhỏ, vốn tự có và giá trị tài sản thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; giúp nhiều HTX có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho HTX và người lao động.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, việc triển khai chính sách tín dụng cho HTX vẫn còn nhiều thách thức. Theo Liên minh HTX Việt Nam năm 2022, trong tổng số các HTX đang hoạt động, chỉ 1,5% có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của HTX có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tiếp tục tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đây cũng là bất cập được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra. Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, các chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể, HTX nhưng thực tế triển khai chính sách chưa thực sự tạo được động lực cho HTX phát triển. "Đơn cử, HTX rất khó tiếp cận vốn do không có tài sản chung để thế chấp. Bên cạnh đó, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng chưa phát huy hết vai trò hỗ trợ HTX" - ông Hùng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh cũng cho biết, phần lớn HTX hiện nay hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư cao, song việc tiếp cận nguồn vốn lại rất hạn chế. "Có nhiều thời điểm, nguồn vốn ngân hàng dồi dào, nhưng HTX vẫn "khát" vốn, đó là nghịch lý cần có giải pháp tháo gỡ từ góc độ chính sách lẫn thực tiễn" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Từ thực trạng các HTX vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay, Liên minh HTX đã chỉ rõ những nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do các HTX không có tài sản thế chấp để đáp ứng điều kiện vay vốn. Do đó, việc tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn tín dụng để mở rộng hoạt động, phát triển cũng là vấn đề được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề cập, khi góp ý về dự thảo Luật HTX (sửa đổi).
Dự thảo Luật HTX đang được trình, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có quy định (tại điều 23): HTX được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi; ưu tiên tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ và các định chế tài chính vì mục tiêu phát triển bền vững...
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với 2/3 tổng số HTX hoạt động trong khu vực nông nghiệp - khu vực kém ưu thế về vốn, do đó cần xác định rõ các động lực để thúc đẩy khu vực HTX này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Do đó, TS. Cung đề nghị trong dự thảo Luật HTX cần quy định cụ thể về động lực thúc đẩy HTX phát triển, đặc biệt là chính sách tín dụng cho HTX.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự án Luật HTX ngày 25/5, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đồng tình với việc phải luật hóa chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách tín dụng cho HTX; đồng thời, đề nghị cần bổ sung các chính sách ưu tiên cụ thể hơn để HTX tiếp cận được vốn vay như thông qua việc đánh giá năng lực tài chính, hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh cần vay vốn hoặc cho vay theo hình thức tín chấp...
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề xuất nên quy định rõ nguồn vốn để thực hiện việc tín dụng nội bộ, đó là có thể sử dụng một phần vốn điều lệ, vốn đóng góp của thành viên HTX. Đồng thời, đề nghị bổ sung nguyên tắc hoạt động của quỹ nội bộ của HTX để bảo đảm an toàn như nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận hay chỉ cho thành viên HTX vay.
Từ việc nhận diện khó khăn trong tiếp cận vốn của HTX, các ý kiến cho rằng, để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc "tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả", trong khi chờ Luật HTX sửa đổi được thông qua, các tổ chức tín dụng cần cân đối vốn cho HTX, ưu tiên các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị cao...
Đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với thực tiễn hoạt động của HTX để mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cho các HTX.
Về phần mình, để tiếp cận nguồn vốn vay, các HTX cần nâng cao năng lực về mọi mặt, bao gồm năng lực hoạt động và quản lí tài chính, chú ý đến vấn đề công khai, minh bạch. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên HTX và với đối tác; đồng thời có đủ điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Dự thảo Luật HTX trình tại Kỳ họp thứ 5 gồm 12 chương, 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật. Trong đó, nhiều quy định trong luật đã được chỉnh lý nhằm thể chế hóa chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.