5 tháng, chưa có doanh nghiệp nào cổ phần hóa

(BKTO) – Bộ Tài chính cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) hầu như không có tiến triển trong những tháng đầu năm 2023.

cph-26.jpg
Bộ Tài chính đang hoàn thiện một số quy định để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn. Ảnh: Internet

Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, đến ngày 20/5/2023, đã có 26 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN, gồm 1 tập đoàn (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), 1 tổng công ty (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và 24 DN thuộc các địa phương (Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Thái Bình, Trà Vinh).

Trong cả năm 2022, cả nước chỉ ghi nhận bổ sung 1 DN cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị DN là 309 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, song chưa ghi nhận thêm DN nào được cổ phần hóa.

Về thoái vốn, năm 2022 ghi nhận thoái vốn nhà nước tại 1 DN với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước (DNNN) thoái vốn tại 31 DN với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 5 DN với giá trị là 43,9 tỷ đồng, thu về 179,2 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2022, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ đạt 4.848 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (60.000 tỷ đồng).

Theo Cục Tài chính DN, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế; ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Đồng thời, đặc thù của các DN thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là các DN lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra; các DN nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng, sản phẩm dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương.

Về nguyên nhân chủ quan, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều DN chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn. Còn nhiều vướng mắc, bất cập về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.  Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý bất cập tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Theo Bộ Tài chính, để khắc phục, đổi mới, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cần hoàn thiện quy định để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước.

Bộ Tài chính đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, DN và các chuyên gia, nhà khoa học để trao đổi, thảo luận, xây dựng Dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (sửa đổi); đề nghị các Bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty cử người tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng luật.

Về việc sửa đổi, bổ sung quy định tại các nghị định liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo của Bộ Tài chính và sẽ sớm làm việc với các cơ quan, đơn vị về Dự thảo Nghị định./.

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam và Canada tăng cường hợp tác thúc đẩy thương mại nông sản
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ các vấn đề Toàn cầu của Canada, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác thúc đẩy thương mại nông sản và phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chống biến đổi khí hậu.
  • PV GAS khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh LNG
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chứng nhận Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đủ điều kiện là thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS trong lĩnh vực kinh doanh khí. Với quyết định này, PV GAS tự hào là đơn vị đầu tiên có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG cho thị trường Việt Nam.
  • Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải là khâu đột phá
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp (DN), DN phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh - đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) kiến nghị.
  • VINAMILK: Nhà máy và trang trại được chứng nhận đạt trung hoà carbon
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vừa qua tại Nghệ An, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã công bố chính thức lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050"(Vinamilk hướng đến Net Zero 2050). Đặc biệt tại sự kiện này, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060.
  • Khai thác dầu thô, sản xuất xăng dầu của PVN tăng trưởng ấn tượng
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như dầu thô, khí, điện và xăng dầu, đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của PVN trong bối cảnh nhu cầu của nền kinh tế ở mức cao.
5 tháng, chưa có doanh nghiệp nào cổ phần hóa