Tăng khả năng tiếp cận vốn để chặn tội phạm tín dụng “đen”

(BKTO) - Tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chiều 13/8, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ bức xúc về tình trạng tội phạm tín dụng “đen” hoành hành và đề nghị Bộ Công an có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.



Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), tình trạng tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi đang có nhiều diễn biến phức tạp, hình thành tổ chức đòi nợ thuê hoạt động công khai, manh động nhưng việc phát hiện, xử lý chưa kịp thời.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định hoạt động tín dụng “đen” là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao vừa qua, rất cần được xử lý quyết liệt. Đây là loại tội phạm hình sự nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới giữa tội phạm kinh tế và tội phạm hình sự rất khó phân biệt.
                
   

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

   
Theo Bộ trưởng, tội phạm tín dụng “đen” còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của người dân. Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là thành phần bất hảo, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; từ chỗ có tiền vốn cho vay với lãi suất cao sau đó có những băng nhóm tội phạm siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng DN để thực hiện hành vi phạm tội.

Bộ Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng “đen” mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu, cần tập trung đấu tranh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) huy động tiền nhàn rỗi trong dân, tổ chức tín dụng nhằm giải quyết tiếp cận vốn của người dân… để loại tội phạm này không còn đất hoạt động.

Tham gia trả lời làm rõ thêm vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, bản chất tín dụng “đen” là hoạt động cho vay dân sự không qua các tổ chức tài chính, không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, cấp bách; điều kiện, thủ tục cho vay nhanh gọn, lãi suất rất cao theo thoả thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay chính thức theo quy định của luật.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc xử lý những hạn chế, bức xúc của hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là vùng nông thôn. Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp, đưa ra các quy định về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn với mức ưu đãi; nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chính thức cung ứng các nguồn vốn cho vay như: mở các chi nhánh tín dụng ở vùng sâu, vùng xa; thông qua các kênh cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng nhân dân… nên nhu cầu vốn của người dân đã phần nào được giải quyết.

Tuy nhiên, thực tế một bộ phận người dân và DN có nhu cầu vay vốn gấp trong khi các tổ chức tín dụng cần có thời gian thẩm định khi cho vay và có các quy định để phòng ngừa rủi ro. Chính vì vậy, trong thời gian tới, một mặt NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, Quỹ Tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn, thanh toán, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt hơn chính sách cho vay ưu đãi; đơn giản hoá thủ tục cho vay vốn, thanh toán để tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn dễ hơn nữa.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng, việc kiểm soát hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, chứ không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Kinh nghiệm quốc tế về chống chuyển giá và bài học cho Việt Nam
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Chuyển giá” đã trở thành đề tài nóng, nhạy cảm trên thế giới và là mối quan tâm của các cơ quan Chính phủ, DN, nhà nghiên cứu. Chính phủ các nước lo lắng bảo vệ hệ thống thuế của mình, đảm bảo đủ nguồn thu để bù đắp các chi phí liên quan nhằm cung cấp dịch vụ công cho người dân. Các DN thì lo ngại thuế suất quá cao và chính sách thuế khó dự đoán sẽ làm tổn hại đến triển vọng kinh doanh và lợi ích kinh tế của các nước mà họ đang đầu tư. Việt Nam không nằm ngoài phạm vi của hoạt động chuyển giá bởi đây là một hiện tượng toàn cầu.
  • Giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo gửi tới Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, mặc dù tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN từ tháng 4/2018 được cải thiện, lũy kế 7 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng về tổng thể, tiến độ giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài.
  • Lựa phương án khả thi để xử lý tài sản bất minh
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Việc lựa chọn phương án khả thi để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tiếp tục là vấn đề được tập trung bàn thảo tại Phiên họp.
  • Cho phép phân bổ, giải ngân khoản viện trợ của Chính phủ Ailen cho Chương trình 135
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 09/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135. Theo đó, UBTVQH nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án đối với nguồn vốn này.
  • Xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với thực tiễn
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 09/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Đánh giá cao vai trò tích cực của nguồn vốn vay nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước song kết quả giám sát cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này.
Tăng khả năng tiếp cận vốn để chặn tội phạm tín dụng “đen”