Tăng quyền và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

(BKTO) - Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định 142). Quy định mới sẽ gỡ nút thắt đối với nhu cầu xây dựng được “ê kíp” làm việc tốt hơn, giúp công việc cơ quan đơn vị trôi chảy hơn; vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung. Tuy nhiên, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cũng được quy định rõ ràng hơn, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

quy-dinh-142(1).jpg
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu chịu trách nhiệm ngay cả khi nghỉ hưu, chuyển công tác

Sau nhiều vụ việc cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và của cá nhân, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… thì việc ban hành Quy định 142 được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng; vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Quy định 142 quy định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. (Quy định này thực hiện thí điểm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên; thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm kể từ ngày Quy định được ban hành).

Như vậy, Quy định 142 đã tăng quyền cho người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp phó trực tiếp của mình. Đồng thời, Quy định cũng có nhiều nội dung chặt chẽ nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, bảo đảm nguyên tắc công tâm, khách quan, công khai, minh bạch và phòng, chống tình trạng lạm quyền, lộng quyền, độc quyền. Đó là: Người đứng đầu phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Đặc biệt, người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định. Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp vi phạm quy định này được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan.

“Người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình” - Quy định 142 nêu rõ.

Người đứng đầu phải có con mắt “tinh đời” khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự

Việc ban hành Quy định 142 được xem là sự đột phá khi trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao trong việc lựa chọn, nhân sự cấp dưới của mình; chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự.

Nhiều ý kiến cho rằng, một tập thể, không phải đồng loạt tất cả giơ tay giới thiệu một người mà phải có một người đề xuất, khởi xướng đầu tiên, thì người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử của mình. Người tiến cử phải chịu trách nhiệm, phải biết rõ, không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí "mua, bán" chức vụ để đổ lỗi cho tập thể. Vấn đề là làm sao phải tách ra được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể.

Với Quy định 142, Đảng tiếp tục khuyến khích tạo ra sự minh bạch, công tâm hơn trong công tác tổ chức cán bộ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, đào tạo, giới thiệu những nhân sự kế cận. Nếu được thực thi nghiêm túc, quy định này sẽ góp phần hình thành một đội ngũ lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Đồng thời, cũng bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, khi quy định được ban hành sẽ không tránh khỏi ý kiến băn khoăn về việc trao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ liệu có đảm bảo tính minh bạch, tập trung dân chủ, không cục bộ, cảm tính. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia: Bất cứ một quy định nào cũng có những mặt được, có thể có các hạn chế. Dù Quy định 142 đã nêu rất rõ thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ, dù được giao nhiều quyền hơn, song không phải quyền tuyệt đối mà có lẽ quyền “đề xuất” lớn hơn, còn các quyền quyết định vẫn phải tuân thủ đúng quy trình của công tác cán bộ hiện nay.

Để Quy định 142 đi vào cuộc sống, đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có con mắt “tinh đời”, cân nhắc kỹ lưỡng và toàn diện hơn trong bổ nhiệm cấp phó của mình, cũng như khi miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực thuộc, đảm bảo công tâm, khách quan. Mặt khác, tổ chức đảng cấp trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để đảm bảo việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ vào bộ máy phải đúng người, đúng việc, có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo./.

Cùng chuyên mục
Tăng quyền và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu