Tăng số lượng, nâng chất lượng kiểm toán chuyên đề

(BKTO) - Thời gian qua, các cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) được KTNN chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, qua đó có những đóng góp quan trọng vào kết quả kiểm toán chung của Ngành. Từ xu thế chung cũng như xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, KTNN đang hướng đến đẩy mạnh KTCĐ, đi liền với đó là yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc kiểm toán.




Các cuộc KTCĐ đã được KTNN chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Ảnh: Như Ý

Kiểm toán chuyên đề tạo những dấu ấn đậm nét

Theo đánh giá của KTNN, KTCĐ là một trong những hoạt động kiểm toán mang tính chuyên sâu đã và đang được KTNN hướng đến, đẩy mạnh thực hiện. Số cuộc KTCĐ luôn được cân đối trong kế hoạch kiểm toán (KHKT) hằng năm, với tỷ lệ chiếm từ 15 - 17% số cuộc kiểm toán (không bao gồm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan đảng). Trong thời gian qua, KTNN đã tổ chức thực hiện hàng chục cuộc KTCĐ với nhiều cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, sử dụng nhiều nguồn lực của Nhà nước, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, như: Chuyên đề Phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; Việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đánh giá hiệu quả chính sách đầu tư tại các khu kinh tế; Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập... Có thể thấy, dù chỉ mới “chạm ngõ” trong hoạt động kiểm toán của KTNN song KTCĐ đã để lại những dấu ấn đậm nét. Kết quả từ các cuộc KTCĐ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đất nước.

Đơn cử, cuộc KTCĐ phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2013 là cuộc KTCĐ có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia, phối hợp của các đơn vị kiểm toán trong toàn Ngành. Cuộc kiểm toán đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với việc chỉ ra nhiều bất cập trong công tác xây dựng kế hoạch vốn năm; công tác phân bổ vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn... và những bất cập về cơ chế, chính sách. Trực tiếp tham gia cuộc KTCĐ này, Kiểm toán viên Hoàng Xuân Lương (KTNN chuyên ngành II) cho biết, kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ngành; đơn vị chủ trì thể hiện vai trò, trách nhiệm cao trong việc điều phối, phối hợp với các đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Được đánh giá là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi độ chuyên sâu cao, do đó, việc áp dụng KTCĐ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo Kiểm toán viên Nguyễn Thị Thanh Loan (KTNN chuyên ngành VII), thông qua các cuộc KTCĐ đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế nổi bật, những lỗi hệ thống mang tính chất phức tạp của các đơn vị được kiểm toán, từ đó có các kiến nghị có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động quản lý nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... Một cuộc kiểm toán điển hình nữa là cuộc KTCĐ Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017, qua đó đã phát hiện và đánh giá toàn diện công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, đặc biệt, KTNN đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể trong việc xây dựng, ban hành chính sách, các quy định về BHYT, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế...

Tổng kết kinh nghiệm qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai KTCĐ của đơn vị, TS. Mai Vinh - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - nhìn nhận: Hiệu quả và những đóng góp của KTCĐ đang không ngừng tăng lên. Đặc biệt, các cuộc KTCĐ đã coi trọng hơn đến mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. “Đây là mục tiêu quan trọng để đưa ra các ý kiến đánh giá, nhận xét giúp các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, nhằm tiết kiệm các nguồn lực tài chính góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước” - TS. Mai Vinh nhấn mạnh.

Nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán chuyên đề

Trong những năm qua, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo toàn Ngành không ngừng thực hiện đổi mới các loại hình kiểm toán; vị trí của KTCĐ trong hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN tiếp tục được khẳng định với yêu cầu tăng cường hơn nữa các cuộc KTCĐ. Đi đôi với đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin kiểm toán, công tác tổ chức KTCĐ cần được cải tiến, đổi mới để đạt được hiệu quả cao hơn.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, để thực hiện các cuộc KTCĐ đạt chất lượng, hiệu quả, giải pháp quan trọng đầu tiên là cần tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo TS. Mai Vinh, KTCĐ là hoạt động kiểm toán khó, vừa mang tính tổng hợp, vừa đòi hỏi độ chuyên sâu. Điều này đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên phải có những kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, vừa phải có kiến thức vĩ mô để đánh giá xác đáng, hợp lý tình hình hoạt động của các cơ quan. Do đó, ngoài việc tham gia kiểm toán để có thêm kinh nghiệm, các kiểm toán viên cần được tăng cường đào tạo, tự học, tự tích lũy kiến thức cho bản thân.

Tiếp đó, cần đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, tăng cường thực hiện theo mô hình kiểm toán tập trung thống nhất đối với các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi toàn ngành nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả KTCĐ.

Là đơn vị chủ trì thực hiện hai cuộc KTCĐ tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tác động xã hội lớn trong thời gian qua, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cho biết, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán rất quan trọng. Đơn cử như chuyên đề vừa qua, các chủ đề kiểm toán trên tuy không quá “mới” song mang tính thời sự “nóng bỏng”, bởi đây là vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm. Khi chủ đề được lựa chọn, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến rộng rãi cả trong và ngoài Ngành trước khi hoàn thiện đề cương, phân công kiểm toán viên có đủ kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ và am hiểu chuyên môn tham gia kiểm toán.

TS. Lê Đình Thăng lưu ý, một trong những đặc trưng của KTCĐ, đó là cuộc kiểm toán được thực hiện trên diện rộng, với sự tham gia của nhiều đơn vị kiểm toán. Tính chất này đòi hỏi đơn vị được giao chủ trì phải đề cao uy tín, trách nhiệm trong xây dựng đề cương hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoài việc đơn vị kiểm toán tự kiểm soát chất lượng kiểm toán theo quy định, đòi hỏi phải có sự giám sát, kiểm soát chéo ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm toán cũng như nâng cao chất lượng kiểm toán.

Còn theo TS. Lê Hoài Nam (Vụ Tổng hợp), để nâng cao hiệu quả của các cuộc KTCĐ, đơn vị kiểm toán cần chú ý tăng cường hàm lượng nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc KTCĐ.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tăng số lượng, nâng chất lượng kiểm toán chuyên đề