Các biện pháp hỗ trợ về thuế cho các DN cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh tư liệu
Hỗ trợ đúng đối tượng,kịp thời và phù hợp
Một trong những chính sách hỗ trợ về thuế được Chính phủ đưa ra là gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Đây là nhóm chính sách tức thời để tạo luồng tiền cho DN, các tổ chức và cá nhân kinh doanh trong bối cảnh người kinh doanh gặp khó khăn về luồng tiền do suy giảm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Cùng với các biện pháp hỗ trợ tín dụng khác, số thuế và tiền thuê đất dự kiến gia hạn khoảng trên 80.000 tỷ đồng tạo thêm tính thanh khoản, giúp DN chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Biện pháp này được công bố và thực hiện sớm trong giai đoạn đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là phù hợp với thực tiễn; đồng thời chỉ làm giảm thu ngân sách trước mắt mà không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách năm 2020.
Cùng với đó, chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng y tế phục vụ trực tiếp chống dịch Covid-19 cũng là một biện pháp tức thời nhằm giảm chi phí cho các DN và các cơ quan nhà nước có hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng, chống Covid-19. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, theo tính toán, việc giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác làm giảm thu NSNN năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng. Biện pháp này làm giảm thu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi các DN khắc phục được khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh trở lại thì việc giảm thuế thu nhập DN sẽ tạo tiền đề tăng thu ngân sách trong những năm tới. Điều này cũng phù hợp với phương châm chỉ hỗ trợ DN có tiềm năng phát triển, không hỗ trợ DN không có năng lực kinh doanh.
Cân nhắc tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn khi hỗ trợ thuế
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, các biện pháp hỗ trợ về thuế cần được tiếp tục đưa ra. Tuy nhiên, áp dụng với liều lượng và mức độ như thế nào là bài toán cần được xem xét, tính toán cho phù hợp.
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vai trò điều tiết của Nhà nước là rất cần thiết. Tuy vậy, Nhà nước chỉ nên điều tiết những lĩnh vực thị trường không thể điều tiết hoặc điều tiết không hiệu quả. Nhà nước không nên bao cấp tràn lan, làm thay những việc mà thị trường làm hiệu quả hơn. Rõ ràng, Covid-19 đã làm thay đổi môi trường và cách thức làm việc, tạo ra cơ hội cho sự phát triển một số ngành nghề, công việc và lĩnh vực mới; đồng thời, khai tử một số ngành nghề, công việc cũ và buộc hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý theo hướng ứng dụng kỹ thuật số nhiều hơn. DN không nhận thức và thay đổi cho phù hợp với tác động này ắt bị đào thải.
Điều này gợi ý một quan điểm chung về hỗ trợ của Nhà nước là: hãy để thị trường sắp xếp lại, tổ chức lại cấu trúc các lĩnh vực kinh doanh và các DN. Nhà nước chỉ hỗ trợ những lĩnh vực có liên quan thiết yếu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các DN và cá nhân dễ bị tổn thương, các DN có tiềm năng phát triển nhưng tạm thời đang ở thế yếu…
Mặt khác, việc thực hiện chính sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế qua nhiều thập kỷ và trong vài tháng đối phó với dịch Covid-19 của các quốc gia cho thấy cần sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Vị trí, vai trò của từng chính sách và sự phối hợp cụ thể của các chính sách này cũng như mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong xã hội tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia.
Đồng thời, các biện pháp hỗ trợ về thuế cần được xác định trên cơ sở cân nhắc tác động của chính sách đến các đối tượng, đến cân đối ngân sách quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn; cũng như dựa vào những diễn biến cụ thể của tình hình dịch bệnh. Các giải pháp đưa ra phải phù hợp để góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với điều kiện bình thường mới.
Xuất phát từ quan điểm đó, Việt Nam nên xác định một số giải pháp cụ thể về chính sách thuế hỗ trợ DN. Theo đó, trong thời gian tới, tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, biện pháp hỗ trợ về thuế cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng, chống Covid-19 tạo ra thời cơ thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, Covid-19 có thể dẫn đến xu hướng dịch chuyển luồng đầu tư của một số DN. Do đó, chính sách thuế cần tạo thuận lợi cho xu hướng dịch chuyển này thông qua việc đưa ra những ưu đãi đặc biệt về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị cho những DN lớn đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ là hợp lý. Tuy nhiên, trong số các DN nhỏ, có một số DN không những không bị tác động xấu bởi Covid-19 mà còn được hưởng lợi nhờ Covid. Vì vậy, Nhà nước cần giới hạn DN nhỏ được hỗ trợ theo hướng không hỗ trợ DN nhỏ gia tăng lợi nhuận năm 2020.
Vấn đề cần lưu ý nữa là Nhà nước không nhất thiết tập trung vào ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế mà cần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và thực hiện các thủ tục: kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, hành chính thuế được nhanh gọn. Cùng với đó, Nhà nước cần quy định thủ tục đơn giản, thuận lợi, minh bạch và có giải pháp quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa việc lợi dụng các giải pháp hỗ trợ thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.
PGS,TS. LÊ XUÂN TRƯỜNG
Học viện Tài chính