Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh

(BKTO) - Chiều 07/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam tại trụ sở VCCI. Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 400 doanh nhân tại hơn 70 điểm cầu trong cả nước.



Thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân

Tại cuộc làm việc, sau khi 12 doanh nhân đại diện cho cộng đồng DN ở các điểm cầu trong toàn quốc phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao ý kiến tâm huyết, thiết thực, xây dựng của cộng đồng DN Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại to lớn của cộng đồng DN, sự mất mát cả về tài sản và tính mạng của người dân do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn bùng phát lần thứ tư. “Sức khỏe của doanh nghiệp và người dân đã bị bào mòn qua 4 đợt dịch”.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại VCCI. Ảnh: Tư liệu TTXVN

   

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã bàn thảo rất kỹ lưỡng, đậm nét về vấn đề này. Trung ương ghi nhận và biểu dương sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu, trong đó có đội ngũ DN, doanh nhân. “Khó khăn như thế nhưng chúng ta đã chống chịu kiên cường, 6 tháng đầu năm vẫn giữ được tăng trưởng 5,64%, quý III giảm sâu nhưng dự kiến cả năm sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng dương, các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, xuất khẩu 9 tháng tăng 24%...”. Trung ương cũng chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát, thiệt hại rất to lớn mà người dân và DN đã phải gánh chịu trong thời gian qua.

“Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của DN doanh nhân hơn lúc nào hết”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng DN “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chúng ta vẫn có những nền tảng vĩ mô tốt để vượt qua những khó khăn trước mắt hiện nay, tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới”. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cộng đồng DN cần rà soát lại năng lực quản trị của chính mình, nhìn rõ điểm mạnh – yếu của DN mình để có chiến lược phù hợp để phục hồi và phát triển.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

   

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao vai trò, vị thế hết sức quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Vị thế này không chỉ được Đảng, Nhà nước, xã hội công nhận mà còn được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay.

Về khung khổ pháp lý cho hoạt động của DN, doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho DN đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong 10 năm, từ 2011 – 2021, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 quy định vai trò của DN, doanh nhân.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua hơn 70 luật, pháp lệnh, nghị quyết về đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, hệ thống pháp luật về sở hữu, về quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở để phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN. Chính phủ cũng liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành…

Điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng “đặt hàng” VCCI và cộng đồng DN hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân, kích thích kinh tế phục hồi, phát triển. Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay trong tuần tới sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.

Trao đổi cụ thể với đề xuất của các doanh nhân về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu NSNN. Trần nợ công chỉ là một phần thôi. Làm được 100 đồng mà chi trả nợ 25 đồng là gay go rồi. Chúng ta đừng so sánh trần nợ công với các nước vì tỷ lệ chi trả nợ của họ vẫn bảo đảm an toàn. Do đó, phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Ghi nhận kiến nghị rất quan trọng của VCCI về tăng tính tự chủ cho DN trong thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, chính quyền cần tập trung đặt ra một số nguyên tắc để DN thực hiện và tiến hành hậu kiểm, bởi hơn ai hết các chủ DN là người lo nhất, chịu trách nhiệm trước hết cho DN mình. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid-19, tận dụng cơ hội từ Covid-19, cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch… để đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2026 tại Kỳ họp thứ 2 tới và chuẩn bị cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên đầu tiên vào đầu năm 2022 để bàn về thích ứng với đại dịch và phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
                
   

Toàn cảnh cuộc làm việc tại điểm cầu Trụ sở VCCI, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

   

Về công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm nổi bật của Khóa XV là Đảng đoàn Quốc hội đã trình và Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao về việc ban hành một kết luận về định hướng xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Theo đó, một danh mục nhiệm vụ đã được xác định rõ với 135 luật, pháp lệnh cần được rà soát, đánh giá, hoàn thiện. Các đề xuất của cộng đồng DN liên quan đến việc hoàn thiện thể chế cho các mô hình kinh tế mới, hệ sinh thái cho chuyển đổi số, kinh tế số, chính quyền số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…, hay những đề xuất rất cụ thể liên quan đến Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm… cũng đều đã được chỉ rõ trong danh mục kể trên và có lộ trình thực hiện kèm theo.

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác đánh giá tác động của các dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm luật pháp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng DN đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng DN về các nội dung giải trình, tiếp thu cho thật thấu đáo. Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và công tác tổ chức thực thi luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch.

“Quốc hội có thể họp bổ sung để giải quyết các vấn đề cấp bách, không có việc gì đến Quốc hội mà bị chậm. Quốc hội sẽ đồng hành ở mức cao nhất với Chính phủ, cộng đồng DN để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi và phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh