Tăng trưởng GDP năm 2022 cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD

(BKTO) - Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 vừa diễn ra chiều tối nay (03/01), tại Hà Nội.

2.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Kinh tế-xã hội năm 2022 tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022.

Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, kinh tế-xã hội nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%), Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%)... Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu NSNN vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Công nghiệp phục hồi tích cực, sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nông nghiệp tăng trưởng 3,36%, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021; du lịch phục hồi mạnh, năm 2022 có hơn 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được thúc đẩy tiến độ. Hoàn thành 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông và một số dự án quan trọng khác…

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức cần tập trung xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới, trong đó nổi lên là: Sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Phản ứng chính sách của một số Bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm…

01.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

9 nhiệm vụ cụ thể năm 2023

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể năm 2023, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương:

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN và phát triển kinh tế tư nhân; có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm nhân dân đón Tết Quý Mão an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm...

Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: Cơ chế điều chỉnh giá điện, vấn đề nhà ở xã hội, tín dụng cho nhà ở xã hội, vấn đề sai phạm trong đăng kiểm, các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023…/.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng GDP năm 2022 cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD