Tăng trưởng kinh tế năm 2021: Lạc quan nhưng không chủ quan!

(BKTO) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt kết quả năm 2020 rất ấn tượng. Tuy nhiên, nước ta không nên chủ quan bởi khó khăn còn dài. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thế chế để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.




Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi, nền kinh tế chuyển đổi số nhanh hơn. Ảnh: Hữu Dũng

Vẫn nên thận trọng dù triển vọng lạc quan

Theo Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), năm 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều nhóm ngành, song nhiều nhóm ngành được hưởng lợi, nền kinh tế chuyển đổi số nhanh hơn. Đặc biệt, DN phát triển công nghệ học từ xa (edtech) tăng trưởng mạnh chưa từng có, các ngành công nghệ số quan trọng khác cũng tăng trưởng từ 18% (truyền thông trực tuyến) đến 46% (thương mại điện tử). Covid-19 cũng đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm, đồng thời tạo bước nhảy vọt trong thanh toán không dùng tiền mặt… Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, thấp nhất kể từ năm 1986 nhưng ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Các tổ chức, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học nhận định, năm 2021, GDP của Việt Nam sẽ đạt từ 5,98 - 6,46% (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM). Còn Viện Kinh tế Việt Nam dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 lần lượt là: 3,48, 5,49 và 6,9%. Theo đó, khả năng đạt được phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, giá dầu ổn định, việc cải thiện khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế nội địa.

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế - cho biết, trong khi nhiều tổ chức ngoài nước dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 6,5%, thậm chí có tổ chức còn dự báo tăng tới 8%, Chính phủ Việt Nam dù lạc quan nhưng vẫn thận trọng trong việc đánh giá khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Điều quan trọng hơn là tăng trưởng trong thay đổi, tăng trưởng trong cải cách, tăng trưởng để thích ứng với xu thế mới, tăng trưởng trong quản trị DN, tức là chất lượng tăng trưởng, cải cách thế nào, quản trị rủi ro ra sao trong bối cảnh thế giới bất định.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - khuyến nghị: Việt Nam cần tránh chủ quan cho rằng nước ta đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại vẫn cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn một cách quyết liệt. PGS,TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM - cũng đồng quan điểm: Việt Nam có thành tựu tăng trưởng tốt trong năm 2020 nhưng không nên chủ quan bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thể chế vẫn cần tiếp tục đổi mới…

Hoàn thiện thể chế gắn vớinỗ lực cải cách

Từ nhận định trên, TS. Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam cần đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thậm chí cần thử nghiệm những đột phá về thể chế, chính sách. Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo (một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước như: công nghệ 5G, công nghệ nano…). Do đó, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cần được coi là cú huých quan trọng và là trụ cột để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh, bền vững. Theo đó, cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm Chiến lược chuyển đổi số kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan; xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn. Khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên ưu tiên giải cứu, hỗ trợ DN có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại từ đại dịch. Để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, DN cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các DN, nhất là các DNNN (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi).

Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, hội nhập, cải cách và phát triển bền vững là những yêu cầu mà Việt Nam đã thực hiện bài bản trong những năm qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19, những yêu cầu này phải điều chỉnh nhất định. Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững không thể tiếp tục đi song song, mà phải gắn chặt với nhau hơn. Đối với DN, cơ hội lớn nhất trong năm 2021 là tận dụng thời cơ chuyển đổi số để có thể tồn tại và phát triển bền vững.

TS. Lê Xuân Bá khuyến nghị, năm 2021 và những năm tiếp theo, việc đầu tiên là khống chế và kiểm soát dịch Covid-19. Tiếp theo, điều căn cơ nhất, vừa là trước mắt vừa là lâu dài là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế sao cho chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như xu hướng của thế giới; cải cách bộ máy nhà nước sao cho tinh gọn, hiệu quả. Cải cách thể chế tốt sẽ có môi trường kinh doanh tốt, DN sẽ được hưởng lợi. Thể chế tốt sẽ có đầu tư công tốt, nhân lực tốt, khoa học - công nghệ tốt. Ngoài ra, cùng với việc tiếp tục tìm giải pháp thu hút DN FDI, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhỏ và vừa, đặc biệt tạo điều kiện để hình thành các DN mạnh của Việt Nam…

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Tăng trưởng kinh tế năm 2021: Lạc quan nhưng không chủ quan!