Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) đề nghị cần có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tham gia thảo luận tại phiên họp chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá, vượt qua nhiều thách thức, kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục có bước hồi phục tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm...

db-son.jpg

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế khi cho rằng nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng suy giảm.

Về trụ cột đầu tư, giải ngân vốn đầu tư đến tháng 9 đạt 51,38%, tuy có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng.

Trong bối cảnh đầu tư công chưa có nhiều đột phá và đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu suy giảm, đầu tư tư nhân trở thành động lực nội sinh vô cùng quan trọng, thúc đẩy phục hồi tổng cầu, tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như thiết lập nền tảng tăng trưởng dài hạn và bền vững cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng 1/6 mức trước dịch Covid-19 năm 2019 (tăng 13,7%).

Về trụ cột tiêu dùng, theo đánh giá của đại biểu, tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa vững chắc và có xu hướng chậm lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý sau tăng thấp hơn quý trước, quý I tăng 13,9% nhưng quý III mức tăng chỉ còn 7,3%.

Tương tự, đối với trụ cột xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 497,66 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ, dự báo cả năm xuất khẩu tăng trưởng âm.

“Đây là năm ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 2009. Khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu” - đại biểu lưu ý.

Bày tỏ đồng tình với 12 nhóm giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra trong năm 2024 và thời gian tới, song đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ cần có giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể hơn trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn trên.

Quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra đến năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu.

“Trường hợp tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực bất động sản ở thời điểm này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu khi phần cung bất động sản đang dư thừa; thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin của người dân vào thị trường sụt giảm” - đại biểu Sơn cảnh báo và đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay; có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, qua kiểm toán việc thực hiện chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiểm ẩn rủi ro.

Cụ thể, cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên so với năm 2021, ngoài dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid; các lĩnh vực ưu tiên còn lại mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%); tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế năm 2022 đều giảm so với năm 2021.

Trong khi đó, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dư nợ cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đạt 2.581 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành)./.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu