Tín dụng vẫn bế tắc, ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp khơi thông

(BKTO) - Sau những tín hiệu tích cực cuối tháng 9, tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 10. Ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

tin-dung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Với sự triển khai quyết liệt và nỗ lực của NHNN và ngành ngân hàng, đến nay, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,78% so với cuối năm 2022. Trong đó, từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã có những tín hiệu tích cực khi đạt 6,92% tính đến cuối tháng 9.

Còn theo Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11/10 mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%).

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm. Do vậy, việc xác nhận giải pháp hỗ trợ nền kinh tế là rất quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên tinh thần đó, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng.

NHNN sẽ theo dõi sát tình hình triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP), các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Các đơn vị chức năng của NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan (nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023) để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (nếu cần thiết) nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, cũng như đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng; quy định về thủ tục cho vay để đảm bảo thông thoáng.

Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các văn bản của NHNN về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Trong đó, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết và tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng.

Tích cực triển khai các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Tín dụng vẫn bế tắc, ngân hàng đẩy mạnh các giải pháp khơi thông