Tạo bước đột phá cho Côn Đảo…

(BKTO) - Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc bố trí vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo.

yen16.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Dự án cấp thiết và đặc thù

Theo báo cáo của Chính phủ, ngay từ đầu kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Đến tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV). Do đó, toàn bộ số vốn 2.526,16 tỷ đồng dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15. Tại Phụ lục số III của Nghị quyết số 93/2023/QH15, trong tổng số 37.303,015 tỷ đồng chưa phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, dự kiến bố trí 2.526,16 tỷ đồng cho EVN .

Tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư Dự án, EVN là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của Dự án là 4.950,156 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 2.526,16 tỷ đồng.

Việc đầu tư cho Dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết. Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho Dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án. Trong đó, phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 06 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, phân bổ 2.526,16 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho EVN để thực hiện Dự án. Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bày tỏ ủng hộ đề xuất của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đây là dự án hết sức cấp thiết và đặc thù. Đại biểu cho biết, hiện nay, điện của Côn Đảo không ổn định, phải chạy bằng dầu Diesel, trường hợp phải cải tạo, nâng cấp thì cả huyện đảo không có điện để dùng.

“Việc thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, thực hiện định hướng phát triển huyện Côn Đảo trở thành huyện du lịch đẳng cấp quốc tế như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030” - đại biểu Yến nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) chỉ rõ, hiện nay, nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh. Lượng du khách đến Côn Đảo đã vượt quy hoạch, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch gần như không đáp ứng, trong khi các nhà đầu tư hiện đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư.

Dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp để triển khai của tỉnh Sóc Trăng. Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất, tránh việc lãng phí tài nguyên. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường, đảm bảo triển khai dự án tuân thủ theo quy định về môi trường; giám sát triển khai dự án đúng tiến độ và quy định - đại biểu Tô Ái Vang thông tin.

Quản lý chặt chẽ, đảm bảo tiến độ dự án

Mong muốn Quốc hội ủng hộ việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị giao cho Bộ Công Thương thống nhất thẩm quyền quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo được tiến độ, chất lượng thực hiện Dự án.

giang.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) chỉ rõ, theo Dự thảo nghị quyết thì không rõ nguồn sử dụng là 2.526 tỷ cho Dự án này là nguồn ở đâu. Theo đại biểu, nguồn vốn này bản chất là nguồn theo Nghị quyết số 93 của Quốc hội. Đây là nguồn dự phòng chứ không phải nguồn dự phòng chung trong tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do đó, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết phải thể hiện rõ là: sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong tổng số 37.303 tỷ đồng của Nghị quyết số 93 mà Quốc hội đã thông qua.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), khi triển khai dự án này cần đánh giá kỹ, vì giữa đất liền ra đảo còn liên quan hệ thống đường trên biển. Việc đánh giá kỹ để bố trí vốn cho sát, tránh đánh giá không đầy đủ dẫn đến đội vốn, kéo dài, chậm tiến độ dự án.

Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ để khuyến khích huyện Côn Đảo phát triển theo hướng kinh tế xanh. “Côn Đảo là địa chỉ đỏ cách mạng, mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc, tôi tin tưởng đây không chỉ là cơ hội để tạo bước đột phá thực sự cho huyện Côn Đảo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo đảm quốc phòng an ninh mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ” - đại biểu phát biểu.

Các đại biểu cũng đề nghị, quá trình thực hiện Dự án cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao, bổ sung vốn, tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quản lý tài sản công…

Cùng chuyên mục
Tạo bước đột phá cho Côn Đảo…